Nuôi dê vừa tận dụng được thức ăn xanh vừa tận dụng phân để trồng cỏ |
Với số vốn góp của thành viên và sự hỗ trợ của Hội Nông dân, THT đã mua 86 con dê và áp dụng kỹ thuật nuôi dê khoa học nhằm phát triển bền vững.
Liên kết sản xuất
Để thuận tiện cho quá trình sản xuất và giải quyết khó khăn về nguồn vốn, THT hoạt động theo hình thức các hộ nuôi dê riêng nhưng có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ, chăm sóc đàn dê, giúp nhau chăn thả.
Các tổ viên được Hội Nông dân thường xuyên quan tâm, hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho dê.
Ông Đặng Văn Bằng - Tổ trưởng THT chăn nuôi dê xã Thanh Phú cho biết: Vài năm gần đây, một số hộ dân trong thôn đã đầu tư nuôi dê nhưng đó chỉ là chăn nuôi tự phát, nhà nào biết nhà ấy. Việc chăn thả thường không có người trông, dê tự đi tự về. Vì vậy, đôi khi xảy ra tình trạng mất mát, thất lạc. Khi THT đi vào hoạt động, các tổ viên có tinh thần trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ, trông nom đàn dê trong quá trình chăn thả cũng như chăm sóc tại chuồng.
Với mục tiêu phát triển lên HTX, THT đã chú trọng ngay từ việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các tổ viên còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, cung cấp nguồn thức ăn, nước uống sạch, tiêm vắcxin phòng bệnh định kỳ cho đàn dê.
Đến nay, các tổ viên đã nắm được và áp dụng thành thạo các kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi quản lý đàn dê. Dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cho dê đều được thiết kế cao ráo, có sàn, đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Vì vậy, đàn dê phát triển nhanh, ít dịch bệnh và bán được giá.
Với sự hỗ trợ đầu ra của Hội Nông dân, HTX đã liên kết ký hợp đồng cung ứng dê cho Công ty Dê Cười (Bình Long) với giá trung bình 87.000 – 90.000 đồng/kg. Ở mức giá này, tổ viên lãi khảng 8 triệu đồng/dê mẹ/năm.
Quyết tâm chăn nuôi theo hướng an toàn
Trong quá trình chăn nuôi, yếu tố vệ sinh luôn được HTX quan tâm nhằm đảm bảo môi trường sống cho dê cũng như cho con người.
Các tổ viên đã tiến hành vệ sinh, phun rửa chuồng hàng ngày sạch sẽ. Ngoài ra, THT còn đầu tư xây thêm bể lắng phân dê, vừa tận dụng làm phân bón cho cỏ, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Anh Đặng Văn Châu, thành viên THT cho biết, ngoài tận dụng phân dê để bón cho cỏ, anh còn dùng phân dê bón cho 4.000m2 hồ tiêu. Nhờ đó đã giúp gia đình anh hạn chế được chi phí phân bón và công chăm sóc, lại có thêm thu nhập từ hồ tiêu.
Để có thức ăn sạch cho đàn dê, ngoài tận dụng thức ăn xanh và các phế phụ phẩm nông nghiệp, THT còn trồng 700m2 cỏ giống voi và cỏ Thái Lan. Vì thế chất lượng thịt dê của HTX luôn được đánh giá cao.
Bà Trần Thu Lan – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phú cho biết: THT Thanh Phú là mô hình chăn nuôi dê tiên phong tại địa phương thực hiện cam kết nói không với thực phẩm bẩn, quyết tâm sản xuất theo hướng chăn nuôi an toàn.
Nhờ đáp ứng đủ các yếu tố về quy mô, điều kiện quản lý, liên kết, quy trình…, hiện nay, Hội Nông dân xã đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục để chuyển THT thành HTX chăn nuôi dê Thanh Phú. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng đầu tư, thu hút doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, nhu cầu thị trường về các sản phẩm từ dê rất lớn. Tuy nhiên, do nguồn cung đang bị thiếu nên có một số thương lái thu mua phá giá, vì vậy THT khuyến cáo các tổ viên cần lưu ý, ký hợp đồng ổn định với công ty, không nên chạy theo giá thị trường để nghề nuôi dê tại Bình Long phát triển ổn định và bền vững.
Như Yến