Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mô hình KTTT, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình HTX được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Điển hình tại huyện Thạch An, trước kia, cây hồi chỉ sinh sôi tự nhiên, ít được người dân quan tâm, thế nhưng hiện nay cây hồi đã phủ xanh đồi trọc trở thành cây dược liệu giúp bà con thoát nghèo ở huyện Thạch An.
Đổi thay từ trồng hồi
Xã Vân Trình là địa phương trồng nhiều hồi nhất huyện Thạch An, tập trung tại các xóm: Bản Cắn, Bản Muồng, Lũng Mằn... Thông qua các dự án, Chương trình 135 và 30a hỗ trợ cây, con giống nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, người dân có điều kiện mở rộng diện tích trồng hồi qua từng năm.
UBND xã Vân Trình cho biết thời gian qua xã thường xuyên vận động người dân chuyển đổi diện tích các loại cây lâm nghiệp kém hiệu quả khác sang trồng hồi để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Cây hồi được trồng ở ngay gần nhà, trên những gò đất, triền đồi, vươn dần lên tận trên núi cao.
Để đạt được mục tiêu mở rộng diện tích cây hồi, xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng hồi Vân Trình để hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ bỏ lối trồng truyền thống, năng suất dần tăng. Từ đó, giá trị kinh tế của cây hồi đã tăng lên vượt bậc, người dân có thu nhập ngày càng cao, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Ví dụ như gia đình ông Hoàng Văn Lúa, xóm Bản Muồn, xã Vân Trình (thành viên THT trồng hồi Vân Trình), từ vài nghìn m2 ban đầu đến nay đã có tổng diện tích hơn 3 ha.
![]() |
Nông dân huyện Thạch An sơ chế hoa hồi. |
Ông Lúa phấn khởi nói: Năm nay, hoa hồi được mùa, được giá ổn định hơn so với mọi năm. Gia đình tôi dự kiến thu khoảng 6 - 7 tấn hồi, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ trồng hồi, gia đình tôi có kinh tế khá ổn định so với trồng các loại cây trồng khác.
UBND xã Vân Trình cho biết hoa hồi được thu hoạch vào tháng 7 - 8, những năm qua, việc tiêu thụ ở huyện Thạch An nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra thuận lợi, trong đó nhiều HTX trong huyện đã đứng ra thu mua, bao tiêu đầu ra cho người dân và các THT, nhờ đó người dân thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó.
Thời gian gần đây, giá hoa hồi tương đối ổn định, đối với hoa hồi khô có giá 120 - 150 nghìn đồng/kg; giá hoa hồi tươi dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, lúc cao nhất lên đến 60.000 đồng/kg nên bà con càng gắn bó với cây hồi hơn. Từ trồng hồi, nhiều hộ gia đình trồng ít cũng có thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm, có rất nhiều hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đến hơn 200 triệu đồng/năm. Nếu như 20 năm trước, đồi núi toàn đất trống thì bây giờ đâu đâu cũng thấy màu xanh của hồi, đất đai nhờ đó được bảo vệ tốt hơn, giảm rủi ro thiên tai, lũ lụt.
Đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Thạch An đã và đang triển khai, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,81% xuống còn 34,37%.
Năm 2025, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiều mô hình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững...
Để từng bước giúp người dân nghèo cải thiện cuộc sống một cách bền vững, đa chiều, lãnh đạo UBND huyện Thạch An chỉ đạo tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với những mục tiêu sát với thực tiễn, nhu cầu.
Nhận thấy hồi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền huyện Thạch An đưa cây hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của huyện, định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn giảm nghèo tại địa phương qua nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ huyện. Hiện nay, huyện Thạch An có 2.560 ha hồi, tập trung tại các xã: Vân Trình, Đức Xuân, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, thị trấn Đông Khê,… Trong đó, nòng cốt là các THT và HTX sẽ hỗ trợ người dân trồng và sản xuất theo mô hình bền vững và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
![]() |
Nông dân xã Vân Trình (Thạch An) thu hoạch hoa hồi |
Thời gian qua, rất nhiều hộ dân, HTX đã đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm như chiết xuất tinh dầu từ lá hồi, sản phẩm tinh dầu hồi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Bằng khẳng định: Thổ nhưỡng của Cao Bằng rất phù hợp với cây hồi. Những năm tới, cây hồi vẫn là một trong những cây lâm nghiệp đa tác dụng, chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX
Có thể thấy, cây hồi mang lại rất nhiều giá trị về kinh tế. Các sản phẩm từ cây hồi nếu qua chế biến sẽ cao hơn hẳn về giá bán. Do đó, hiện nay, huyện Thạch An đang chú trọng đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX.
Để nâng cao vai trò của HTX trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, thời gian qua, huyện Thạch An đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh có các chính sách đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới HTX…
Nhờ đó, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.
Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Đồng thời, tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu xây dựng hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hoàng Hà