Hiện nay, diện tích trồng dứa chiếm hơn 60% tổng diện tích trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên. Những năm gần đây, cây dứa đã và đang là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông dân nơi huyện nghèo miền núi này.
Giải pháp giảm nghèo trên đất dốc
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Dứa Na Sang, xã Na Sang, cho biết, HTX hiện có 76 thành viên với diện tích trồng dứa khoảng 400ha, chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng dứa của toàn huyện Mường Chà.
Hiện tại, với những quả dứa đạt tiêu chuẩn từ 500g trở lên, bà con đang bán được giá cho các thương lái với giá 10.000 đồng/kg. Dự kiến, vụ dứa năm nay sẽ có khoảng trên 10.000 tấn bán ra thị trường, cây dứa đã khẳng định được vị thế là cây chiến lược trong xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, từ năm 2019, HTX đã ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Nhờ đó, bà con đã an tâm hơn rất nhiều, không còn lo được mùa nhưng mất giá.
“Đặc biệt, HTX hướng dẫn các thành viên, hộ thành viên liên kết sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Đồng thời, giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giúp người trồng dứa giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế”, ông Tâm chia sẻ.
![]() |
Những năm gần đây, cây dứa đã và đang là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông dân. |
Hiện nay, người dân Mường Chà đang chuyển đổi sang trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu.
Bắt đầu trồng dứa kinh doanh từ gần 10 năm trước với diện tích gần 3 ha, đến nay gia đình ông Lý A Vừ, bản Na Sang, thành viên HTX đã có tổng diện tích trồng dứa lên tới hơn 3,5ha. Năm 2024, gia đình ông đã có thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây dứa.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của HTX dứa Na Sang, ngoài gia đình ông Lý A Vừ thì gia đình anh Lý A Chu cũng là thành viên liên kết của HTX đã thành công chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dứa. Chỉ sau năm đầu tiên trồng thử nghiệm 1ha dứa, đến nay, gia đình anh Chu đã được thu hoạch.
Anh Chu cũng cho biết, trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa để nâng cao thu nhập trên những diện tích đất dốc kém hiệu quả.
Những năm qua, cây dứa Mường Chà đã trở nên nổi tiếng với giống dứa nữ hoàng (dứa Queen), có kích thước lớn, hương vị thơm ngon đặc trưng. Giống dứa này không chỉ thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà còn cho năng suất cao.
Khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng
Theo đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Chà, một trong những giải pháp nhằm khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất của người nông dân chính là việc thực hiện trồng trọt phải theo quy hoạch.
Để làm được điều này, các HTX, hộ nông dân Mường Chà đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp phát triển một cách bền vững, trở thành cây kinh tế chủ lực tại địa phương.
Cây sắn mặc dù không phải là cây được huyện lựa chọn, khuyến khích trồng. Song với những diện tích đất dốc thì đây lại là giải pháp cho người dân tăng thêm thu nhập và mục tiêu không để lãng phí tài nguyên đất.
Huyện đã đề ra rất nhiều giải pháp liên quan đến chính sách an sinh, trong đó có việc hướng dẫn người dân phát huy giá trị, hiệu quả trên đất, cải tạo đất, chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở các xã như: Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng, Pa Ham, Nậm Nèn… đối với diện tích đất bờ sông, bờ suối có độ dốc cao, triền núi, huyện vận động nhân dân cải tạo đất, đưa khoa học, kỹ thuật vào canh tác trồng sắn. Đến nay, diện tích sắn trồng tại những vị trí đất dốc khoảng 1.200ha.
![]() |
Huyện Mường Chà đã đề ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp trên đất dốc. |
Đại diện một hộ dân ở xã Mường Mươn cho biết: Nhờ tận dụng những diện tích đất bờ sông, bờ suối, gia đình ông trồng được gần 1ha sắn. Trong năm qua, giá sắn bán dao động từ 2.500 – 3.000đồng/kg, tiền bán sắn gia đình quay vòng mua giống gà, vịt về nuôi bán trong dịp Tết. Cũng nhờ cách làm tận dụng triệt để diện tích đất gia đình có và những vị trí đất không ai canh tác, lấy công làm lãi, nên gia đình đã sớm thoát nghèo từ năm 2021.
Theo tiêu chí mới, hiện nay huyện Mường Chà có 2 xã Na Sang và Mường Mươn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện và đây cũng là 2 xã người dân thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đất nương thoải tốt nhất nhất huyện. Điều này đã làm thay tỷ lệ hộ thoát nghèo, giảm nghèo và trở nên giàu có.
Giải pháp cho người dân tăng thêm thu nhập
Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Chà hết năm 2024 giảm xuống còn 41,2%, bình quân giai đoạn 2020 - 2024 giảm 5,84%/năm; tỷ lệ hộ cần nghèo là 15,68%. Chia theo khu vực, tỷ lệ hộ nghèo khu vực vùng thấp là 4,28%; tỷ lệ hộ nghèo vùng cao 46,11%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 42,01%.
“Chúng tôi thông qua HTX hỗ trợ bà con trong việc bao tiêu sản phẩm. Thời gian trước, huyện đã thành lập đoàn đi thăm các tập đoàn, công ty chuyên thu mua dứa và sắn qua đó đã nhận được những cam kết của doanh nghiệp thu mua, trên cơ sở đó, huyện sẽ mở rộng diện tích trồng dứa và sắn, đặc biệt là cây dứa", Chủ tịch UBND huyện nói.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo huyện Mường Chà, một giải pháp quan trọng khác cũng cần được quan tâm đó là sớm có chính sách đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến. Điều này sẽ góp phần khắc phục tính chất thời vụ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ dứa trên địa bàn.
Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đã cũng một số HTX trên địa bàn huyện Mường Chà xây dựng đề án đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ kho bảo quản kho lạnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời xây dựng mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện. Phối hợp với các sở, ngành giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Đến nay toàn huyện Mường Chà đã triển khai 75 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tổng nguồn vốn hỗ trợ ước đạt trên 1.200 triệu đồng, trong đó có nhiều Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Minh Thành