Nam Định có 10 huyện, thành phố với 229 xã, phường, thị trấn (trong đó Tp.Nam Định có 25 xã, phường). Theo số liệu thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trong toàn tỉnh ước tính khoảng 900 tấn/ngày, trong đó Tp.Nam Định là 300 tấn/ ngày và 9 huyện còn lại là 600 tấn/ngày.
Trên địa bàn Tp.Nam Định với 25 xã, phường, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay đã được các địa phương quan tâm với sự tham gia của các HTX VSMT và các HTX mở rộng sang hoạt động VSMT.
Giải quyết vấn đề môi trường
Với sự tham gia của các HTX, THT, vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được thu gom và xử lý với tỷ lệ khoảng 85%.
Rác thải được thu gom, vận chuyển và xử lý bằng nhiều hình thức, như: Làm phân hữu cơ, đốt, tái chế hay vận chuyển về Khu liên hợp xử lý rác thải Tp.Nam Định (làng Man, xã Lộc Hòa) với khối lượng khoảng 175 tấn/ngày.
Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, HTX Cổ phần môi trường Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) đã cho thấy vai trò của mô hình HTX VSMT trong công tác rác thải nông thôn.
Sau 10 năm hoạt động, HTX không ngừng mở rộng địa bàn, đầu tư cơ sở vật chất để thu gom và xử lý lượng rác thải ngày càng lớn trên địa bàn.
Đến nay, 98% hộ dân và 80% cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Cổ Lễ tham gia đóng phí VSMT. Mức lương của các thành viên là 3 triệu đồng/người/tháng. HTX đã đầu tư 3 xe tải thu gom, vận chuyển rác đến bãi tập kết cùng nhiều trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các đội thu gom rác, góp phần làm cho đường phố, ngõ xóm trong các khu dân cư trở nên sạch, đẹp.
Tổ hợp tác VSMT xã Nam Hùng (huyện Nam Trực) có 17 đội thu gom rác thải. Mỗi đội được trang bị 1 xe thu gom rác. Nhờ sự hoạt động của HTX mà các tuyến đường mà HTX phụ trách đều đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Lượng rác thải mà HTX thu gom trên địa bàn chiếm đến 90%.
Không giống như hai đơn vị trên, HTX Sản xuất, Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng) chỉ mở rộng sang dịch vụ VSMT nhưng hoạt động của HTX đã đáp ứng nhu cầu về VSMT trên địa bàn.
Thu gom rác thải trên địa bàn Tp.Nam Định |
Nâng cao nhận thức
Những năm qua, các HTX, THT luôn chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho thành viên và người dân về bảo vệ môi trường (BVMT) bằng nhiều hình thức, như: Thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, động viên người dân tham gia các tổ thu gom, phân loại, xử lý rác thải… Tất cả đã góp phần giữ gìn VSMT ở thôn, xóm, khu dân cư luôn xanh - sạch - đẹp.
Để tạo được thói quen tốt và hình thành nét đẹp văn hóa trong các hoạt động BVMT nông thôn, các HTX, THT luôn tổ chức và tham gia các phong trào: Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà, hạn chế sử dụng túi nilon, trồng hoa trên các tuyến đường, nạo vét kênh mương... Thông qua phong trào nhằm làm chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, nông dân, từ đó chủ động tham gia BVMT theo hướng tích cực.
Các HTX có dịch vụ VSMT còn chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; nuôi thủy sản theo hướng thâm canh bền vững; ứng dụng các chế phẩm sinh học EM trong trồng trọt, chăn nuôi để thay thế dần các loại thuốc hóa học độc hại, sử dụng phân bón theo quy trình khép kín…
Thông qua đó, người dân nhận thấy được lợi ích thiết thực từ việc BVMT, như giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế… từ đó góp phần BVMT sinh thái và sức khỏe con người.
Để hoạt động hiệu quả và bền vững, các HTX, THT rất mong nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát huy được sức mạnh tập thể trong công tác BVMT.
Như Yến