Mô hình được thực hiện từ tháng 12/2017 - 7/2018, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 - 2018. Theo đó, nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón và 50% hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm nước cho các hộ tham gia.
Mô hình liên kết sản xuất măng tây xanh ở Bình Thuận (Ảnh:NNVN) |
Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Cty Hoàng Nguyên và HTX Nấm Phúc Thịnh chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây măng tây và hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới với nhà lưới cho hộ tham gia. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật tận tình “cầm tay chỉ việc” tại đồng ruộng cho các hộ từ khâu chuẩn bị đất, gieo giống đến chăm sóc…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm giúp cây măng tây đảm bảo lượng nước tưới vừa phải, sinh trưởng và phát triển tốt. Sử dụng hệ thống nhà lưới giúp bảo vệ măng tây khỏi côn trùng phá hoại, từ đó giảm sử dụng thuốc BVTV, cho sản phẩm chất lượng, an toàn.
Ông Nguyễn Tám, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đánh giá mô hình bước đầu đã thành công. Theo đó, mô hình đã chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc măng tây xanh theo hướng an toàn cho các hộ, để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa mô hình còn gắn với chuỗi liên kết giúp các hộ được bao tiêu sản phẩm, với giá 50 ngàn đồng/kg. Từ đó yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.
Được biết, măng tây xanh là loại cây trồng có giá rị kinh tế cao, được thị trường tiêu thụ mạnh. Sau khi trồng từ 6 - 9 tháng sẽ cho thu hoạch măng tơ. Quy trình thu hoạch cứ thu hoạch 15 ngày thì tạm ngưng cho cây dưỡng sức và bón thúc để tăng cường dinh dưỡng. Sau các đợt thu hoạch thì cứ 3 tháng phải ngưng hái để tránh làm cây bị kiệt sức. Tiến hành đổi cây mẹ bằng cách tỉa bỏ cây già, trong một bụi chỉ giữ lại 3 - 4 cây mẹ. Trong thời gian 1 - 3 năm đầu sản lượng măng tây cho thu hoạch chưa cao, từ năm thứ 4 trở đi mới bắt đầu cho thu măng có năng suất, chất lượng cao hơn.
Huyền Vũ