Song song với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); tăng năng suất, chất lượng và sản lượng) được ngành nông nghiệp hỗ trợ triển khai đồng bộ trên nhiều diện tích lúa.
Năng suất tăng, chi phí giảm
Vụ Đông Xuân vừa qua, mô hình “3 giảm 3 tăng” đã được triển khai tại 10 HTX với diện tích 20 ha. So với ruộng đối chứng, năng suất của diện tích tham gia mô hình cao hơn 2 tạ/ha; giảm hơn 1,68 triệu đồng chi phí sản xuất đầu vào như: Lúa giống, phân, số lần phun thuốc trừ sinh vật gây hại.
Ông Nguyễn Văn Miên - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Xuân (Hương Xuân, thị xã Hương Trà) cho biết ngoài 2 ha trồng lúa theo mô hình “3 giảm 3 tăng”, HTX bắt đầu đưa mô hình này vào sản xuất theo hướng nhân rộng. Tham gia mô hình, 49 thành viên HTX được hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, áp dụng KH-KT vào thực tiễn đồng ruộng.
Là thành viên đi đầu trong việc áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, gia đình ông Trần Toàn sử dụng giống xác nhận, sạ thưa 4 kg lúa/sào. So với lối canh tác thông thường, mô hình “3 giảm 3 tăng” chỉ tăng lượng phân bón lót, hạn chế bón phân các giai đoạn tiếp theo.
Việc bón phân cân đối, điều tra và ghi chép nhật ký đồng ruộng cũng như phun thuốc BVTV hợp lý giúp nắm bắt chính xác nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng; các quy luật phát sinh dịch hại, bảo vệ các loại thiên địch trên đồng ruộng. So với diện tích ruộng cùng loại của gia đình, diện tích thực hiện theo mô hình chi phí đầu vào giảm, năng suất cao hơn ruộng đối chứng gần 30 kg/sào.
Mô hình này đã trang bị cho nông dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất ít ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể là khi sạ thưa sẽ giảm phát thải khí CO2, bón phân đạm ít dẫn đến ít sâu bệnh, ít phun thuốc BVTV, phương pháp “ngập - khô xen kẽ” giúp làm giảm phát thải khí Metan (CH4)…
Theo mô hình “3 giảm 3 tăng”, người dân tiến hành trang bằng mặt ruộng, áp dụng biện pháp sạ hàng với 90 - 100 kg lúa giống/ ha (trong khi tập quán sản xuất cũ sử dụng 120 - 150 kg/ha). Khi cây lúa phát triển, người dân bón phân cân đối và sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết. Để giảm tình trạng cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, giảm chồi lúa kém phát triển, hạn chế cỏ dại, không bị đổ ngã, người dân quản lý nước tiết kiệm theo phương pháp ngập - khô xen kẽ.
20 ha lúa của 10 HTX đã được áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng |
Môi trường được bảo vệ
Ông Hồ Đắc Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho rằng canh tác theo tập quán cũ, nông dân sử dụng lượng giống gieo sạ cao, trung bình 120 - 150 kg lúa giống/ha. Sử dụng lượng giống cao làm tăng chi phí đầu vào, tăng mật độ số cây lúa trên một đơn vị diện tích nên sức đề kháng của cây lúa kém, dễ phát sinh sâu bệnh, phải tăng số lần phun, xịt thuốc BVTV, ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
Mật độ cây lúa lớn cũng sẽ tiêu tốn thêm chất dinh dưỡng, phải tăng lượng phân bón trong suốt quá trình sản xuất. Lối canh tác này còn làm tăng khả năng tồn dư thuốc BVTV trong lúa, tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng rất lớn đến các loài thiên địch bảo vệ mùa màng.
Từ khi mô hình “3 giảm 3 tăng” được triển khai, lượng phân bón, giống, thuốc BVTV giảm nhưng hiệu quả kinh tế cao, năng suất lúa tăng, môi trường được bảo vệ. Hiện, 10 điểm triển khai mô hình đều đạt hiệu quả cao, năng suất trung bình cao hơn mức năng suất bình quân của tỉnh 61,5 tạ/ha, nhiều HTX có năng suất cao, trên 63 - 65 tạ/ha.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất, nông dân vẫn chưa thực hiện đúng 100% theo quy trình, lượng giống, phân bón và thuốc BVTV giảm so với sản xuất đại trà, nhưng vẫn còn cao hơn quy trình khuyến cáo, hiệu quả mô hình vẫn chỉ đạt mức khá.
Giảm được 1 phần chi phí, giúp người sản xuất lúa quen dần với những tiến bộ KH-KT mới áp dụng vào sản xuất cho những vụ mùa tiếp theo chính là thành công bước đầu của mô hình, xóa dần tập quán canh tác lúa truyền thống.
Thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu hỗ trợ máy sạ hàng cho các HTX ứng dụng mô hình để giảm lượng giống và công gieo sạ.
Hà Xuyên