Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có tổng diện tích rừng và quy hoạch lâm nghiệp đạt trên 348.000 ha, trong đó, diện tích đất có rừng đạt hơn 311.000 ha, rừng tự nhiên đạt gần 213.000 ha, độ che phủ rừng đạt trên 57%.
Phát huy thế mạnh
Điều kiện tự nhiên cùng những chính sách thúc đẩy phát triển lâm nghiệp của các địa phương đang trở thành động lực cho các HTX lâm nghiệp mở rộng quy mô, phát triển theo hướng an toàn, bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động.
Đến nay, toàn tỉnh đang có 15 HTX lâm nghiệp bền vững, với nhiều tên tuổi điển hình như HTX Hòa Lộc, Lộc Tiến, Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), HTX Hương Phú, Thượng Nhật (huyện Nam Đồng), HTX Phú Sơn, Toàn Thắng (thị xã Hương Thủy), HTX Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền)…
Sở hữu hơn 800 ha rừng trồng, HTX Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) đang là một trong những HTX lâm nghiệp lớn nhất tỉnh. Các ngành nghề chính của HTX gồm gieo ươm cây giống chất lượng cao, trồng và chăm sóc rừng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng.
Ông Hồ Đa Thê - Giám đốc HTX Hòa Lộc, cho biết: “HTX hiện có 30 hộ thành viên, tổng vốn điều lệ gần 700 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để bao tiêu sản phẩm gỗ cho thành viên, đồng thời, tạo việc làm cho hơn 20 lao động, mức lương 6 - 8 triệu đồng/tháng”.
Trong quá trình làm việc, thành viên, người lao động HTX được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật, đặc biệt trong các khâu chế biến nguyên liệu gỗ như vận hành máy cưa, cắt, bào… bảo đảm tuyệt đối quy định về an toàn lao động (ATLĐ), qua đó, gia tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Không chỉ trong chế biến, quá trình trồng rừng cũng được HTX thực hiện theo tiêu chuẩn FSC (quy trình trồng rừng quốc tế), tập huấn khâu thu hoạch, vận chuyển gỗ bảo đảm an toàn cho người lao động.
Các HTX lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có bước phát triển mạnh mẽ |
Phát triển bền vững
Cùng với HTX Hòa Lộc, HTX lâm nghiệp Toàn Tiến (thị xã Hương Thủy) cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. HTX đang có 13 thành viên, vốn điều lệ đạt xấp xỉ 500 triệu đồng.
Để bắt kịp với xu thế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững, ngay từ khi thành lập, HTX Toàn Tiến đã đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng trang thông tin điện tử, đồng thời, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến gỗ…
Sự chủ động trong công tác đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với đảm bảo ATLĐ, chú trọng chăm sóc rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, giúp HTX phát triển ổn định, trở thành điểm tựa vững chắc cho thành viên, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Đặc biệt, bên cạnh chú trọng phát triển sản xuất, HTX đang có hợp đồng chiến lược với công ty SP (Scancia Pacific), cùng nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ uy tín trong và ngoài nước, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định cho thành viên, nông dân liên kết.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của HTX lâm nghiệp trên địa bàn, ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay cùng với sự lớn mạnh của các HTX, mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC đang thu hút hàng trăm hộ trồng rừng tham gia.
Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC lên 6.000 ha, hướng đến hình thành chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp bền vững, an toàn, hiệu quả cao.
“Sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn không chỉ đem lại lợi ích cao về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong quá trình phát triển, các HTX sẽ đóng vai trò dẫn dắt thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo ATLĐ, mở ra hướng đi bền vững”, ông Hồ Sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Hưng Nguyên