Nhiều mô hình HTX chế biến lâm sản phát triển các sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương từng bước "ăn nên làm ra", mở rộng quy mô, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.
Khai thác hiệu quả cây trồng chủ lực
Được thành lập năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, luồng, đến nay sau gần 20 năm hoạt động, HTX chế biến lâm sản Sông Mã, xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa) đã trở thành đơn vị chế biến lâm sản lớn nhất của huyện với 140 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên liên kết.
Ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết, cây luồng, tre, nứa, vầu phủ khắp huyện Quan Hóa. Cây được trồng hỗn giao nhiều nhất thuộc đất của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý.
![]() |
Cây tre, luồng được khai thác và tập kết trước khi chế biến. |
Tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, HTX được thành lập nhằm liên kết các hộ thành viên có diện tích rừng luồng, nứa lớn tham gia chế biến lâm sản.
“Với kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, doanh thu hàng năm của HTX đạt hàng chục tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương” – ông Bình chia sẻ.
Để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, HTX chế biến lâm sản Sông Mã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại. Trong đó, điển hình năm 2023, HTX đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống máy phát điện, hệ thống chữa cháy tự động, trang bị biển báo tại nhiều vị trí của các phân xưởng.
Cũng nhờ chế biến cây tre, cây luồng, HTX chế biến lâm sản Hợp Phát ở bản Cổi, xã Xuân Phú (nay là xã Phú Nghiêm) trong những năm gần đây là một trong những mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả tại địa phương.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dôi dư từ các phụ phẩm ở các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trong và ngoài huyện, HTX chế biến lâm sản Hợp Phát chuyên sản xuất giấy và vàng mã xuất khẩu. Trong nhiều năm qua, HTX tiêu thụ khoảng 15.000 tấn luồng, sản xuất được 5.500 tấn giấy và vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước, với giá trị xuất khẩu gần 6 triệu USD, tạo việc làm cho trên 178 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 7,5 đến 25 triệu đồng/người/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu từ thị trường, huyện Quan Hóa đã thành lập được 27 tổ, nhóm nông dân hợp tác phát triển rừng luồng, trong đó có 2 tổ nhóm tham gia ký hợp đồng bán luồng trực tiếp cho nhà máy chế biến. Nhờ đó, sản lượng khai thác tre luồng của huyện đạt 19 triệu cây/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu của các HTX, DN trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp địa phương.
Mang lại “bát ăn, bát để” cho người dân
Tại các huyện miền núi, chế biến lâm sản đang được khuyến khích phát triển với mục đích nâng cao giá trị gia tăng cho các loại lâm sản, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Tuy nhiên, do địa bàn xa xôi nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn là một bài toán khó đối với nhiều địa phương.
Trước tình hình đó, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa kết hợp cùng chính quyền tại một số địa phương đã khuyến khích các cơ sở sản xuất lâm sản nhỏ lẻ liên kết thành lập các HTX chế biến lâm sản. Hoạt động của các HTX đã giúp giải quyết khó khăn ban đầu về khâu tiêu thụ lâm sản trên địa bàn khu vực miền núi. Một số HTX đã đa dạng hoạt động chế biến sang sản xuất than hoạt tính xuất khẩu, đồ nội thất, nâng cao giá trị lâm sản sau khai thác.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX lâm sản phụ Đức Nam cho biết, trong thời gian qua dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, việc liên kết, góp vốn của các thành viên đã và đang tạo điều kiện hỗ trợ HTX mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại, giúp HTX tiếp cận những thị trường khó tính.
Còn theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn, trên địa bàn hiện có hơn 54 nghìn ha rừng luồng, nứa, vầu, phân bố ở hầu khắp các xã, thị trấn. Trong đó, diện tích rừng nứa, vầu thuần loài là hơn 27 nghìn ha và hơn 13 nghìn ha rừng nứa, vầu hỗn giao. Các xã có nhiều diện tích cây trồng này là: Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo... Hàng năm, sản lượng khai thác và tiêu thụ đạt trên 10 triệu cây luồng và từ 5 nghìn đến 7 nghìn tấn nứa, vầu dạng nan thanh.
![]() |
Tre luồng sau khi chế biến được sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao. |
Có chất lượng tốt, nên cây nứa, vầu ở Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn lựa làm nguyên liệu sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc tăm mành, chân hương xuất bán ra nước ngoài. Nhờ đó mà đã có thời điểm, cây nứa, vầu đã mang lại "bát ăn, bát để" cho hàng nghìn hộ dân ở huyện vùng biên này.
Ông Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn cho biết: Bên cạnh chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm bảo vệ tốt diện tích rừng nói chung và diện tích rừng nứa, vầu nói riêng, không để xảy ra tình trạng cháy rừng, huyện đã chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn, trong đó có chế biến sâu nguyên liệu nứa, vầu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân...
Đầy lùi “cái nghèo”
Trong những năm qua, UBND huyện đã chủ động kịp thời ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn để phát triển kinh tế tập thể, HTX thực hiện lồng ghép huy động các nguồn lực từ các Chương trình dự án để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế; trong đó triển khai các đề án xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm hàng hóa đối với HTX nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương.
Tính đến nay, huyện Quan Hóa có 107 thành viên HTX, số lao động thường xuyên làm việc trong các HTX là 458 người, tạo công ăn việc làm với thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 6 triệu/người/tháng, góp phần đưa kinh tế của huyện duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt trên 3%.
Để hoạt động chế biến lâm sản tại địa phương phát huy hết tiềm năng, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Quan Hóa tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất nghề, mở rộng các cơ sở sản xuất có quy mô lớn; khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm tiêu chí về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời huyện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng triển khai chương trình vay vốn của Chính phủ với lãi suất ưu đãi để kích thích đầu tư, phát triển sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề...
Đại diện Liên minh HTX tỉnh, cho biết, để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả của các HTX trong lĩnh vực chế biến, phi nông nghiệp tại địa phương, trong thời gian tới rất mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa và tạo điều kiện để các HTX có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm cầu nối cho các HTX trong các khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp đào tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX phi nông nghiệp.
Hồng Hương