Mai Châu hiện đang có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như khoai lang, tỏi, khoai sọ, dưa hấu, cây ăn quả VietGAP… Đây là những sản phẩm thế mạnh để huyện xây dựng các chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, một số HTX trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật, hình thành liên kết với doanh nghiệp.
Hiệu quả rau trái vụ
Xã Noong Luông là địa bàn đầu tiên được huyện lựa chọn thử nghiệm mô hình trồng bắp cải trái vụ theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ. Trước đây, bắp cải vốn là cây trồng ưa lạnh thường được trồng ở vụ Đông. Song, thời gian qua, với những tiến bộ về kỹ thuật, bắp cải được trồng cả ở vụ Xuân Hè.
Mai Châu đang thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh như rau màu VietGAP trái vụ. |
Mô hình trồng bắp cải trái vụ được hỗ trợ kinh phí từ chương trình hỗ trợ sản xuất của Phòng Dân tộc, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện là đơn vị tổ chức thực hiện. Và đặc biệt, mô hình có sự tham gia rất tích cực của các HTX, tổ hợp tác trong vai trò tổ chức và liên kết các hộ sản xuất.
Điển hình như HTX Tam Hòa, xã Đồng Tân thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm thành viên, người lao động, với mức thu nhập bình quân 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Được thành lập từ năm 2014, với 7 thành viên chính thức và khoảng 200 hộ liên kết, HTX chủ trương phát triển mô hình trồng rau trái vụ theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và tạo ưu thế trên thị trường.
Chị Hà Thị Cườm, dân tộc Tày, xóm Tam Hòa, thành viên HTX, chia sẻ: “Với sự đồng hành của HTX, chúng tôi chuyển đổi sản xuất theo quy trình VietGAP, từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng”.
Theo đại diện HTX, để thay đổi tư duy sản xuất của thành viên, nông dân liên kết, HTX đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật về sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng loại, đúng liều, đúng cách và cách ly đúng thời gian quy định.
Nhờ sản xuất khoa học, cây bắp cải nói riêng và rau màu nói chung trên địa bàn huyện Mai Châu đang liên tục tăng về giá trị. Hiện đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, rau màu trái vụ đang dần trở thành mặt hàng chủ lực của huyện với diện tích gần 100 ha.
Khơi dậy những tiềm năng
Bên cạnh rau VietGAP trái vụ, Mai Châu còn rất nhiều loại cây trồng đặc trưng khác có tiềm năng phát triển. Điển hình như khoai lang được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của xã Ba Khan.
Mai Châu có nhiều cây trồng thế mạnh có tiềm năng nhân rộng để đem lại thu nhập cho nông dân. |
Sau thời gian trồng thử, mô hình trồng khoai lang theo hướng an toàn sinh thái đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Ba Khan, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế vượt trội, cùng những ưu điểm về môi trường.
Năm 2012, xã Ba Khan đẩy mạnh nhân rộng diện tích trồng khoai lang. Đến nay, toàn xã có gần 100 ha khoai lang ở cả 3 xóm, là cây trồng có diện tích lớn thứ 2 chỉ sau cây ngô.
Anh Đinh Văn Phước, xóm Khan Hạ, cho biết so với cây ngô, cây khoai lang dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần. Năng suất bình quân của khoai lang trên địa bàn xã hiện đạt 1,5 – 2 tấn/1.000 m2.
Đặc biệt, để phát triển bền vững, nhiều hộ trồng khoai lang trên địa bàn xã Ba Khan đã chủ động liên kết thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp Ba Khan, hướng tới sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Phát huy vai trò dẫn dắt sản xuất, thời gian qua, Tổ hợp tác đã chủ động phối hợp với địa phương, Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Mai Châu, tìm các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời cử cán bộ hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Theo lãnh đạo UBND huyện Mai Châu, để tạo sức bật cho nông nghiệp, những năm qua huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tiến tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao.
Huyện cũng từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung. Một mặt, liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (đối với các sản phẩm có lợi thế của huyện). Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng vùng để xây dựng mỗi xã, mỗi vùng đều có sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh.
Cụ thể các xã Thung Khe, Pù Bin, Noong Luông sẽ duy trì và phát triển trồng ngô nếp, lạc, tỏi. Các xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Tân Sơn, Tòng Đậu tập trung sản xuất các loại rau sạch. Xã Mai Hạ tiếp tục duy trì sản xuất rượu Mai Hạ và mở rộng diện tích trồng dưa hấu. Xã Phúc Sạn tập trung cho sản phẩm khoai sọ. Hai xã Hang Kia, Pà Cò phát triển các mô hình cây chè Shan tuyết, mận hậu và lợn bản địa…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi thế mạnh, phát huy vai trò liên kết của các HTX, tổ hợp tác. Chủ động phát triển các mô hình theo hướng an toàn sinh thái, xây dựng các chuỗi giá trị, đảm bảo và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lệ Chi