Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đang có 2.200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 12% tổng số HTX nông nghiệp), trở thành điểm tựa vững vàng, tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu thành viên, nông dân liên kết và người lao động.
Bứt tốc trên nền tảng công nghệ
Thành lập từ năm 2017, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, uy tín với người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã chú trọng tới chất lượng sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc, qua đó chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.
Công nghệ cao là nền tảng để các HTX nâng tầm thương hiệu, tăng sức cạnh tranh (Ảnh BBG). |
Giám đốc Trần Xuân Đăng cho biết, sản phẩm chủ lực của HTX gồm có dưa chuột, cà chua và dâu tây. Bình quân mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường gần 30 tấn sản phẩm, trong đó hơn 50% cung cấp cho các siêu thị như BigC, Vinmart, cùng các chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, còn lại bán trên “chợ online”.
Bên cạnh gắn tem truy xuất nguồn gốc, HTX Trí Yên còn đầu tư mạnh cho quy trình sản xuất an toàn sinh thái nhằm tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao. Đơn cử, với dưa chuột, HTX đang xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại, có tưới nhỏ giọt, vừa giảm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Cụ thể, trồng dưa chuột trong nhà lưới giúp HTX giảm 50 - 75% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn nước sạch phục vụ tưới tiêu được đảm bảo ngay cả trong những thời điểm nắng hạn khốc liệt. Đặc biệt, việc giảm lượng hóa chất giúp hạn chế tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Cũng đang gặt hái thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX công nghệ cao Nông Thịnh (xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) ra đời với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”.
Trong xu thế hội nhập, sản phẩm nông nghiệp sạch là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo đó, những thành viên trong HTX luôn trăn trở, tìm giải pháp làm sao để chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng áp dụng công nghệ cao, mang đến sản phẩm sạch cho mọi nhà, tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
Trong chuỗi phát triển sản phẩm sạch trong nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Tạo dựng các giá trị bền vững
Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học mà thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.
Cần có thêm nguồn lực hỗ trợ để các HTX tự tin ứng dụng công nghệ cao, xây dựng giá trị bền vững (Ảnh BTN). |
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn sinh thái để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng là điều kiện cần để các HTX bứt tốc, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, dưa lưới trồng trong nhà kính che chắn được bụi và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại nên cho trái rất sạch, đẹp, chất lượng tốt, đồng thời giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật cần dùng. Đặc biệt, bà con nông dân rất dễ dàng thâm canh và tăng thu nhập cho gia đình.
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, với diện tích 2.500m2 sẽ cho ra 1.300 trái dưa với sản lượng gần 3 tấn (mỗi trái nặng 1,5 - 2 kg ), mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 - 200 triệu. Trong một năm, thành viên HTX có thể sản xuất 3 vụ dưa lưới với tổng sản lượng trên 20 tấn dưa lưới và 1 vụ dưa chuột, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng”, Giám đốc Trần Hoài Thanh chia sẻ.
Hay như HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa (Phượng Tiến, Định Hóa, Tuyên Quang) được thành lập tháng 8/2018 với 7 thành viên, chuyên trồng các loại rau, củ, quả như dưa lưới, dưa lê, dưa chuột, cà chua, đậu Hà Lan....
Ngay từ khi thành lập, HTX đã đầu tư mạnh cho hệ thống nhà màng hiện đại, tưới nhỏ giọt, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, thân thiện môi trường trên toàn bộ diện tích gần 1ha và với tất cả các hộ thành viên.
Đến nay, HTX ATK Định Hóa đã có hệ thống khách hàng ổn định gồm 5 cửa hàng, điểm bán nông sản an toàn và gần 30 cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Cao Bằng.
Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn sinh thái để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng là điều kiện cần để các HTX bứt tốc, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, dù bước đầu đã có những thành công, nhưng các HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất, hội nhập và phát triển. Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong hoạt động của HTX là nhân sự bộ phận kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giám đốc điều hành, dẫn đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của HTX chưa đạt như mong muốn.
Vì vậy, để phát triển, bên cạnh việc các HTX phát huy nội lực hơn nữa cần có thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thu hút đầu tư công nghệ hạ tầng logistics để các HTX nâng cao năng lực. Bộ NN&PTNT cũng chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logistics cho ngành nông nghiệp để giải quyết việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh...
Lệ Chi