Mô hình cánh đồng lớn là sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, do Bộ NN&PTNT chủ trương thí điểm tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long lần đầu tiên trong vụ Hè Thu năm 2011. Sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước, không chỉ với cây lúa mà cả với những cây trồng khác.
Ưu điểm vượt trội
Đồng Tháp là tỉnh thuần nông với sản lượng lúa đứng tốp đầu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên, đời sống nông dân vẫn rất bấp bênh bởi liên tục "được mùa, mất giá" và ngược lại.
Sản xuất trên cánh đồng lớn mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường sinh thái. |
Thấy được lợi ích của sản xuất tập trung có thể mang lại chuỗi giá trị mới cho ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã triển khai nhiều cánh đồng lớn hiện đại, nhờ đó trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của thành viên trong các HTX được nâng cao, năng suất, chất lượng cây trồng gia tăng, môi trường sinh thái được đảm bảo.
Đơn cử, HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hùng cho biết thực hiện cánh đồng lớn, cán bộ kỹ thuật luôn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cặn kẽ việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng liều, đúng loại, đúng cách, đúng thời gian).
HTX cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân ghi chép tình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đặc biệt, nông dân không còn lo đầu ra, bị thương lái ép giá bởi được doanh nghiệp liên kết bảo đảm bao tiêu sản phẩm xuất khẩu.
Theo thống kê, đến nay, trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
Ở Kiên Giang, các cánh đồng lớn cũng đang cho thấy ưu điểm vượt trội. Toàn tỉnh có hàng nghìn cánh đồng lớn cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, các HTX vẫn là những “lá cờ đầu”.
Điển hình, HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn) đang là đơn vị tiên phong trong phát triển sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Hòn Đất.
Cần liên kết chuỗi
Ông Lê Tấn Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất, cho biết trong bối cảnh hội nhập, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, người nông dân bắt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất lớn.
Để tạo sức bật trên cánh đồng lớn, cần sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. |
Những năm qua, HTX đã tích cực vận động, thu hút các hộ dân trên địa bàn tham gia vào chuỗi sản xuất, đồng bộ hóa quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. 100% nông dân vào HTX nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, áp dụng tốt kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm", từ đó tăng giá trị sản xuất.
Trong đó, “1 phải, 5 giảm” tức là phải sử dụng giống xác nhận hoặc nguyên chủng, giảm chi phí giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới (tưới nước tiết kiệm), thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sấy để giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái nên chất lượng hạt lúa Nhật DS1 do HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Lợi nhuận của thành viên HTX tăng 20 - 25% so trước đây. Chính điều này càng tạo thêm niềm tin để nông dân đẩy mạnh hợp tác cùng HTX.
Hiệu quả thiết thực của cánh đồng lớn là rất rõ ràng, tuy nhiên không phải ở địa phương nào cũng có điều kiện để phát triển hiệu quả mô hình này. Thậm chí ở nhiều mô hình, người nông dân vẫn phải tự liên hệ độc lập với thương lái, bài toán thị trường càng trở nên nan giải.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, cánh đồng lớn rõ ràng là mô hình đáp ứng xu thế hội nhập, thúc đẩy hiện đại hóa, nâng cao giá trị sản xuất. Việc nhiều cánh đồng “lớn nhưng chưa mạnh” là bởi thiếu liên kết với doanh nghiệp.
Nhiều nơi không làm tốt được do doanh nghiệp không có đầu ra ổn định nên họ không thể hợp đồng chắc chắn với nông dân. Vì không có doanh nghiệp cụ thể đặt hàng nên tuy đã được tập hợp lại thành một cánh đồng lớn nhưng cuối cùng nông dân vẫn phải “tự thân vận động”.
Ở chiều ngược lại, theo GS. Võ Tòng Xuân, bản thân các HTX, nông dân cũng cần thay đổi tư duy, sản xuất theo đúng quy trình, giữ chữ tín để cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp đồng nghĩa canh tác phải khoa học, loại bỏ hóa chất động hại, đảm bảo an toàn sinh thái, sản phẩm chất lượng kém sẽ bị loại, chuỗi liên kết có nguy cơ bị phá vỡ.
Có thể thấy, để mô hình cánh đồng lớn phát huy hiệu quả thì cần đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa HTX, doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia và nhà quản lý.
Trong xu thế hội nhập, sức cạnh tranh ngày càng tăng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, rõ ràng cánh đồng lớn chỉ là điều kiện cần. Để có thêm điều kiện đủ, các cánh đồng lớn cần phải mạnh với những chuỗi liên kết chặt chẽ giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cần sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế nhằm nâng sức cạnh tranh…
Hưng Nguyên