Có thể thấy, chuyển biến rõ nét nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp ở xã Mong Thọ A là diện tích lúa hữu cơ chất lượng cao. Năm 2020, sản lượng lúa của HTX Thạnh Hòa đạt 6.000 tấn, trong đó hơn 20% lúa chất lượng cao, chiếm 60ha trên tổng diện tích 313ha, thu hút 138 thành viên tham gia. HTX Thạnh Hòa được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng lợi ích cho nông dân.
Lợi ích thu được không chỉ là kinh tế
Ông Đoàn Văn Bấu, Giám đốc HTX Thạnh Hòa cho biết: “Qua vận động, bà con ở ấp Thạnh Hòa cùng hợp tác sản xuất theo mô hình lúa chất lượng cao hữu cơ trên diện tích 60ha. Theo đó, thành viên HTX thực hiện tốt các quy trình sản xuất như sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng đúng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, ghi chép nhật ký, từ đó tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho HTX”.
![]() |
Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao của HTX nông nghiệp Thạnh Hòa. |
Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác nông nghiệp an toàn, nên chất lượng hạt lúa Đài Thơm 8, OM18, OM380... do HTX Thạnh Hòa sản xuất đều đạt tiêu chuẩn làm giống, xuất khẩu, lợi nhuận của thành viên tăng từ 20-25% so với trước đây. Chính điều này càng tạo thêm niềm tin để nông dân đẩy mạnh hợp tác cùng HTX và doanh nghiệp.
Thời gian qua, HTX Thạnh Hòa duy trì, phát triển và mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cho Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam, Công ty Điền Tín, Công ty TNHH Biochem Bông Lúa Việt và HTX Nông sản hữu cơ Rạch Giá Mở, nhằm giải quyết đầu ra và tăng thêm thu nhập cho thành viên.
Các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với HTX Thạnh Hòa bằng phương thức cung ứng lúa giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, hướng dẫn quy trình sản xuất, cuối vụ mới thanh toán và không tính lãi... Với cách làm này, “nút thắt” trong tiêu thụ nông sản đã được tháo gỡ, giúp thành viên an tâm, tin tưởng hơn vào mô hình của HTX.
Đáng ghi nhận, dù nói không với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng năng suất lúa của HTX vẫn đạt 7-8 tấn/ha/vụ. Hơn nữa, lại được doanh nghiệp cam kết ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên thông qua HTX với mức giá đảm bảo.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm qua các năm cũng như biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Võ Văn Phú, ấp Thạnh Hòa trồng lúa mỗi năm đều có lãi.
Theo ông Phú, nhờ những đặc tính ưu việt về năng suất, chất lượng cũng như sức chống chịu sâu bệnh của giống lúa Đài Thơm 8, nay gia đình ông đã mở rộng liên kết sản xuất lên đến 20ha, thu lãi 27-28 triệu đồng/ha.
“Từ khi cấy lúa Đài Thơm 8, gia đình tôi chưa bao giờ phải lo đầu ra. Lúa thu hoạch đến đâu được HTX thu mua hết đến đó”, ông Phú bộc bạch.
Cũng từ ngày mô hình được đưa vào triển khai, thành viên HTX Thạnh Hòa chính thức chia tay với mọi loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, đến cả bình thuốc trừ sâu cũng ít khi sử dụng. Mỗi mùa, bà con làm cỏ theo phương pháp thủ công, ủ phân chuồng và bón phân hữu cơ cho lúa, đảm bảo quy trình sạch từ đất đến sơ chế theo tiêu chuẩn đầu ra của doanh nghiệp.
Qua thời gian sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao, ông Trịnh Chí Linh ở ấp Thạnh Hòa - thành viên HTX khẳng định: “Cái được lớn nhất mà chúng tôi nhận được chính là một môi trường sống trong lành, không ám mùi hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra an toàn, sức khỏe được cải thiện”.
Tăng giá trị nông sản theo chiều sâu
Trước đây, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân ấp Thạnh Hòa diễn ra khá phổ biến, sở hữu ít diện tích canh tác nên việc thu gom, trung chuyển ra thị trường và các trung tâm sản xuất lớn đều do các thương lái thực hiện.
![]() |
Hai kho chứa với sức chứa hàng nghìn tấn tại HTX Thạnh Hòa |
Nhận thấy rõ sự manh mún, rời rạc trong hệ thống, HTX đứng ra đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, xe, nhà kho để giảm thiểu tổn thất, tăng chất lượng, giá trị của hàng hoá nông sản.
Về dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch, HTX có 2 lò sấy công suất 8 tấn/lò/mẻ, 2 nhà kho với sức chứa 1.300 tấn, sân phơi 1.000m2 và có phương tiện vận tải hàng hóa nông sản đường thủy (bằng ghe) chứa được 10-14 tấn, đường bộ (bằng xe cơ giới) chuyên chở lúa cho thành viên từ đồng ruộng đến lò sấy.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo chiều sâu, những năm qua, Ban quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) Kiên Giang đã phối hợp với HTX Thạnh Hòa chuyển giao kỹ thuật canh tác, cải thiện và mở rộng quy mô cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ gắn với nâng cao năng lực chế biến sau thu hoạch.
Nhờ đó, HTX nông nghiệp Thạnh Hòa đã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, nông thôn cũng như sản xuất, cung ứng lúa giống, cung ứng vật tư…
“Trong thời gian tới, để gắn kết lâu dài với doanh nghiệp trong khâu cung cấp và tiêu thụ sản phẩm, HTX sẽ vận động kết nạp thêm thành viên mới, mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ; đầu tư chế biến sâu; tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sạch từ vùng nguyên liệu; gia tăng giá trị của cây lúa, tăng thu nhập của các thành viên”, Giám đốc Đoàn Văn Bấu chia sẻ.
Tô Thương