Được triển khai từ đầu năm 2019, đến nay mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên các cánh đồng của HTX dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm đã đem lại hiệu quả cao cho người dân ấp Cây Chôm (xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), vùng đất ven biển chịu nhiều ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong mùa khô.
Hiệu quả vượt trội
HTX dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm được thành lập vào tháng 9/2017, hiện thu hút hơn 30 thành viên, với tổng diện tích trên 148 ha canh tác lúa. Sau khi thành lập, HTX được phía địa phương hỗ trợ tham gia nhiều cuộc tiếp xúc, họp dân để tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ người dân trong hoạt động sản xuất.
Canh tác lúa thông minh đem lại hiệu quả cao, bền vững (Ảnh TL) |
Đến nay, HTX hoạt động ngày càng hiệu quả khi triển khai 4 khâu chủ lực, gồm cung ứng giống và vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, thủy lợi, thu hoạch.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất, thành viên và các hộ liên kết của HTX Cây Chôm đã chủ động được việc bơm nước và gieo sạ sớm hơn các năm trước, giúp lúa phát triển tốt, đảm bảo lịch thời vụ lại không chịu ảnh hưởng hạn mặn.
Kể từ năm 2018 đến nay, năng suất bình quân trên cùng diện tích canh tác của thành viên HTX cao gấp 1,5 lần so với các mô hình canh tác theo phương thức truyền thống, đạt 6,7 - 6,8 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân 70 – 110 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, cho biết gia đình bà canh tác hơn 3 ha giống lúa DS 1. Khi thấy lợi ích của việc vào HTX, bà đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đê bao, tạo thuận tiện trong việc chủ động nguồn nước.
“Thuận tiện trong sản xuất, thủy lợi giúp cây lúa đạt năng suất hơn trước từ 20% trở lên. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật từ HTX, chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận tăng cao, môi trường sinh thái cũng được đảm bảo”, bà Thu phấn khởi nói.
Điển hình, trong quá trình sản xuất, thay vì lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu để chạy theo số lượng, thì nay các thành viên HTX Cây Chôm đã chủ động áp dụng phương thức sản xuất hiện đại, với các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện môi trường để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá bán.
Nắm chắc quy tắc “4 đúng”
Ông Nguyễn Văn Vui – thành viên liên kết của HTX Cây Chôm, chia sẻ tham gia vào HTX, các hộ được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất sạch, nắm chắc quy tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian cách ly.
Mô hình canh tác thông minh đem đến lợi ích kép về kinh tế, môi trường sinh thái (Ảnh TL) |
Các hộ canh tác cũng nắm vững quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, để có biện pháp bảo vệ cây trồng, cắt tỉa thân, lá có dấu hiệu bị bệnh, sử dụng nước sạch tưới tiêu, tận dụng phân hữu cơ cung cấp cho cây, phát triển các loài thiên địch để tiêu diệt sâu bệnh hại…
“Đổi thay lớn nhất trên các cánh đồng của HTX so với trước kia là một màu xanh mát, hoàn toàn không có mùi phân bón, thuốc trừ sâu, cuối vụ có đơn vị bao tiêu, nông dân yên tâm vì luôn có lãi”, ông Vui nói.
Nhờ quá trình hoạt động có hiệu quả, đầu năm 2019, HTX dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm đã được doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đầu tư các thiết bị ứng dụng công nghệ cao, tập huấn, vận hành quy trình kỹ thuật…
Các kết quả cho thấy, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên đất phèn mặn đang mang lại hiệu quả cao trong sản xuất tại HTX Cây Chôm.
Trong thời gian tới, xã Lình Huỳnh dự kiến sẽ vận động thêm nông dân tham gia vào HTX, mở rộng diện tích sản xuất. Qua đó, giúp người dân nông thôn nâng cao giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh tại địa phương.
Hưng Nguyên