HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong hiện có trên 1.500 hộ gia đình thành viên, với hơn 320 ha đất sản xuất. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của HTX tập trung vào cung ứng các dịch vụ sản xuất cho thành viên, như giống cây trồng, vật tư nông nghiệp… và xây dựng các mô hình sản xuất mới để tạo điều kiện cho thành viên nâng cao thu nhập.
Khó khăn chồng chất
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đến nay, HTX đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn chồng chất trong bước đầu xây dựng mô hình HTX kiểu mới.
Ông Phạm Tiến Bắc - Giám đốc HTX, cho biết: Khó khăn lớn nhất của HTX là chưa thực hiện được việc dồn điền đổi thửa, do chưa có kế hoạch triển khai trên thực tế. Hiện nay, HTX vẫn đang sản xuất theo hình thức thuê đất.
Đặc biệt, năm 2017 khi thực hiện triển khai mô hình cấy mạ khay vào vụ chiêm xuân, đã có không ít thách thức đặt ra cho những người đứng đầu HTX. Cây mạ bị chết hàng loạt do cán bộ và người dân không nắm được kỹ thuật làm mạ khay.
Theo nhận định của các thành viên HĐQT, cùng một giống lúa, cấy mạ khay bao giờ cũng tốt hơn và cho năng suất cao hơn 20 - 30 kg/sào so với cấy tay. 10 ha vụ chiêm xuân và 40 ha vụ mùa năm 2017 thử nghiệm cấy mạ khay đã chứng minh điều đó. Nhưng về cơ bản, do kỹ thuật làm mạ chưa đúng nên không thể triển khai rộng rãi đến nông dân.
Hiện tại, HTX có 2 máy gặt, 2 máy làm đất, 2 máy cấy. Trong đó, máy cấy hầu như chưa tiếp cận với người dân, do vướng mắc trong khâu sản xuất mạ khay. Địa phương có dây chuyền làm mạ, nhưng vẫn chỉ làm nhỏ lẻ trên các hộ dân, chứ chưa triển khai được mô hình lớn.
Ông Nguyễn Đình Bông - Phó Giám đốc HTX, cho biết HTX chỉ có hơn 200 triệu đồng vốn lưu động, không có trụ sở, không tài sản thế chấp. Gian nhà cấp 4 mà HTX đang sử dụng làm trụ sở là do UBND xã cho mượn. HĐQT HTX có 5 thành viên chính thì đều phải dùng sổ đỏ của chính gia đình mình để thế chấp, vay vốn đầu tư máy móc.
![]() |
Thời gian tới, HTX cấy lúa thương phẩm để tiêu thụ được nhiều hơn |
Cần được hỗ trợ từ nhiều phía
Ông Đỗ Viết Lợi (xã Tân Phong) chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất đi lên rõ rệt. Hình thức mới này rất mạnh về công nghiệp hóa khiến cho bộ mặt nông nghiệp nông thôn ngày càng thay đổi. Người dân là người được hưởng lợi trực tiếp”.
Xây dựng mô hình kiểu mới giúp cho HTX tự chủ hơn trong các khâu sản xuất của mình. Trước đây, khi sản xuất theo phương thức truyền thống, mọi chính sách phải qua UBND huyện, triển khai về thôn dân cư với người dân, được sự đồng ý mới bắt tay vào làm. Bây giờ, HTX làm theo nhu cầu của nhân dân, dựa trên cơ sở của hợp đồng. Các chi phí đầu tư ban đầu nhân dân được trả chậm sau khi thu hoạch.
Hướng phát triển của HTX trong thời gian tới được xác định là tìm được đơn vị làm giống lúa (mạ khay), cấy lúa thương phẩm để tiêu thụ được nhiều hơn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích đất còn lại. Trước mắt là ớt và khoai tây, chuyên canh trồng hoa, dưa, bí xanh và liên tục thử nghiệm các giống lúa mới.
Để giải quyết khó khăn và nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, HTX rất mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm về vốn, tạo điều kiện về quỹ đất xây dựng trụ sở để bảo đảm hoạt động; tăng cường các chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các HTX mở rộng các dịch vụ sản xuất để HTX thực sự trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn phát triển.
Hà Xuyên