Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 269 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số 27.513 thành viên, doanh thu bình quân của HTX năm 2017 đạt hơn 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ quản lý, người lao động HTX đạt 25 triệu đồng/người/năm.
Các HTX nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào như: giống, phân bón, thủy lợi, làm đất, bảo vệ sản xuất, thu hoạch… Một số HTX đã hình thành liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Đẩy mạnh phát triển
Trong 3 năm từ 2018 - 2020, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung củng cố và phát triển 14 HTX nông nghiệp nằm trong đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020”.
Trong năm 2018, tỉnh tập trung củng cố lại 14 HTX về phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ HTX mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong 2 năm 2019 và 2020, tiếp tục hoàn thiện mô hình thí điểm HTX nông nghiệp trong từng lĩnh vực, triển khai thực hiện nhân rộng và phát triển quy mô HTX phù hợp nhu cầu sản xuất.
Ts. Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết việc đầu tư phát triển HTX kiểu mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống, đảm bảo ATLĐ cho người dân.
“Hoạt động hiệu quả của các HTX với sự đẩy mạnh của khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa gắn với ATLĐ, không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần giúp người nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất an toàn, đem lại những sản phẩm chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Nhựt nhấn mạnh.
![]() |
Kiên Giang đang dành nhiều nguồn lực để phát triển HTX nông nghiệp |
Chiến lược cụ thể
Theo lộ trình, tỉnh phấn đấu có 90% HTX nông nghiệp tham gia thí điểm đạt loại khá trở lên; thành lập mới 1 - 2 liên hiệp HTX nông nghiệp. Đến năm 2020, có 100% cán bộ quản lý HTX tham gia thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về HTX và điều hành sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, an toàn.
Để hoàn thành kế hoạch, tỉnh Kiên Giang chủ động gắn việc chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo ATLĐ cho người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp mà nòng cốt là HTX trong nền kinh tế thị trường; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển; tạo mọi điều kiện để HTX được vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách về nguồn lực.
Khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua HTX nông nghiệp; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trong các ngành hàng thế mạnh, chủ lực của từng địa phương.
Văn Nguyễn