Theo thống kê của UBND xã Hiền Đa, 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị sản xuất của xã ước đạt hơn 7,1 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt 3,4 tỷ đồng, giá trị công nghiệp - TTCN và xây dựng ước đạt 2,6 tỷ đồng, giá trị thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,15 tỷ đồng đồng; lương thực bình quân đầu người đạt 252,5kg/người/6 tháng, tăng 36,5kg so với cùng kỳ năm 2014.
Ô nhiễm môi trường - “bài toán” khó ở làng nghề Hiền Đa
“Ly nông, không ly hương”
Ông Phạm Đăng Tiến - Trưởng làng nghề Hiền Đa, cho biết: “Nghề làm bún bánh, mỳ sợi đã có ở làng từ mấy chục năm, tuy nhiên, chỉ từ khi được công nhận làng nghề năm 2010, làng mới thực sự phát triển mạnh. Nhờ những thay đổi về phương thức sản xuất, sự đầu tư đúng hướng, tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, đời sống của người dân đang ngày càng phát đạt”.
Năm 2010, không chỉ được công nhận làng nghề, làng bún Hiền Đa còn được UBND tỉnh Phú Thọ xếp vào danh sách các làng nghề được ưu tiên khôi phục và phát triển. Kể từ đó, Hiền Đa thực sự trở thành một thế mạnh và được chính quyền địa phương chú trọng đầu tư phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thống kê của UBND xã Hiền Đa cho thấy kinh tế địa phương đang chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân của các hộ làm bánh bún từ 40 - 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể. Thu nhập bình quân tăng lên theo từng năm. Đặc biệt, làng nghề còn tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động trong và ngoài địa phương.
Chị Nguyễn Thị Trang - chủ xưởng bún bánh trong làng, chia sẻ: “Trước đây, làng chỉ lẻ tẻ vài hộ làm bún bánh, bán chợ xã thôi. Mấy năm trở lại đây, nhu cầu thị trường tăng lên, các hộ mới mở rộng sản xuất, lập xưởng lớn, mua thêm máy móc để tăng năng suất. Giờ các xưởng thu nhập 100 triệu/năm không hiếm. Lao động cũng được trả công từ 4 - 5 triệu/tháng”.
Ông Bùi Đức Việt - Bí thư Đảng ủy xã Hiền Đa, cho biết: “Hiện tại, xã có 3 khu dân cư thì cả 3 đều có nghề truyền thống, trong đó khu 1 và 2 làm đồ thờ cúng, khu 3 làm mì bún bánh, thu hút hơn 50% số hộ trong xã làm nghề. Đây là thành quả của chủ trương “ly nông không ly hương”, tạo điều kiện để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Điện thiếu, ô nhiễm tăng
Làng nghề phát triển mạnh, tạo thu nhập cao, tạo tiền đề thuận lợi cho chính quyền địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Từ những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, giờ đây, làng bánh bún Hiền Đa rộn ràng với hàng chục xưởng sản xuất.
Tự hào với những thành tích đạt được, tuy nhiên, ông Bùi Đức Việt cũng thừa nhận : “Có hai vấn đề nan giải hiện tại của làng nghề. Thứ nhất là tình trạng chất lượng điện phục vụ máy móc sản xuất còn thiếu và yếu. Thứ hai là tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, do chưa có hệ thống xử lý thải đáp ứng được nhu cầu”.
Theo quan sát, môi trường tại Hiền Đa đang xuống cấp, khi hầu hết lượng chất thải của các xưởng sản xuất đều xả thẳng xuống hệ thống thoát nước trong làng. Chất thải không được xử lý, để lâu ngày bốc mùi làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.
Những tồn tại về môi trường và chất lượng điện đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững tại làng nghề. Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu để “gỡ khó”. Chỉ khi những tồn tại được giải quyết, cùng với những chính sách ưu tiên hỗ trợ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường… thì kinh tế và đời sống của người dân Hiền Đa mới phát triển ổn định và bền vững.
Văn Hiến