Nhận thấy bao đời nay người dân chật vật vì miếng cơm manh áo, làm ăn kinh tế không hiệu quả một phần vì lạc hậu và nhà nào biết việc nhà đó, những người đứng đầu huyện cũng như tỉnh đã nhận ra rằng chỉ có cùng nhau liên kết làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì bà con mới thoát được nghèo một cách bền vững.
Liên kết phát triển kinh tế
Mô hình kinh tế hợp tác chính là cốt lõi vì có thể tập hợp người dân cùng nhau làm ăn, góp vốn nhỏ thì lập tổ hợp tác, sau đó lớn mạnh sẽ phát triển thành HTX.
Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết hoạt động trên tinh thần tự nguyện xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phương thức tổ chức sản xuất của các HTX, tổ hợp tác gắn liền với quá trình đổi mới của nền kinh tế, từ đó góp phần tạo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Nói cách khác, mô hình kinh tế hợp tác góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và ổn định cuộc sống nhờ vào chính bàn tay của mình, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
HTX Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên) là một trong những mô hình kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết với trên 1.000 hộ dân cùng vùng nguyên liệu đạt trên 500 ha đã được công nhận tiêu chuẩn hữu cơ (Organic); trong đó, trên 160 ha đạt tiêu chuẩn Organic của châu Âu.
Thành viên HTX Chế biến chè Phìn Hồ giới thiệu cách thưởng thức trà cho khách |
Với cách làm bài bản, khoa học và đảm bảo vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ, chất lượng cao; 3 sản phẩm trà của HTX Phìn Hồ đã được công nhận 4 và 5 sao trong chương trình OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 2 sản phẩm: Hồng trà và Trà xanh được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh chấm đạt lần lượt 93,6 và 95 điểm, đạt 5 sao cấp tỉnh.
Đến nay, doanh thu của HTX trung bình đạt 10 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân các thành viên trong HTX đạt 4-10 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của HTX không chỉ phát triển và bảo tồn diện tích chè Shan tuyết quý hiếm mà còn giúp hàng trăm hộ dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Anh Giàng Chí Núi, thành viên HTX, cho biết: "Đến nay, chúng tôi không còn lo lắng vì không có đầu ra. Toàn bộ quy trình sản xuất đã được HTX hỗ trợ làm ăn theo cách bài bản, nên mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng chè là chuyện không quá khó".
Trong khi đó, mô hình sản xuất của HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ thôn Nậm Hồng (Thông Nguyên) đã khai thác ưu thế, quảng bá hình ảnh của huyện thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài sắp xếp, bố trí khách, HTX đứng ra thuê các nghệ nhân, điều tiết các thành viên làm xe ôm hoặc hướng dẫn viên, đồng thời hỗ trợ nấu ăn, phục vụ du khách khi các đoàn muốn thưởng thức chương trình văn nghệ, lễ hội nhảy lửa, hoặc trải nghiệm văn hóa dân tộc, ngắm cảnh trong thôn và thăm vùng chè cổ thụ Phìn Hồ...
Nhà nghỉ phục vụ du khách của HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ thôn Nậm Hồng |
Việc khai thác tài nguyên, nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch không chỉ quảng bá hình ảnh quê hương mà còn thu hút khách đến Hoàng Su Phì ngày một tăng. Nhiều hộ dân đã có thu nhập từ việc kinh doanh, khai thác các dịch vụ ăn nghỉ, vận chuyển hành lý, giới thiệu thuyết minh... Điều này có thể nhận thấy cùng nhau đẩy mạnh phát triển du lịch thông qua mô hình HTX góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó cũng giảm dần.
Đẩy mạnh phát triển HTX
Nhận thấy vai trò của mô hình kinh tế hợp tác trong công tác giảm nghèo, từ một huyện nghèo chỉ có một vài HTX hoạt động cầm chừng, đến nay, Hoàng Su Phì có 52 HTX, thu hút gần 400 thành viên, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 290 người với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 800 triệu đồng/năm.
Trong đó, không ít HTX có tầm nhìn chiến lược, định hướng sản xuất kinh doanh lâu dài, có khả năng tiếp cận thị trường. Chất lượng hàng hóa vì thế mà đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, có những HTX chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đẩy mạnh huy động nguồn vốn sản xuất kinh doanh để thích ứng với thị trường, từng bước phát triển hiệu quả và bền vững. Đây chính là điều kiện giúp thành viên, người lao động thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế.
Để các HTX tiếp tục hoạt động hiệu quả, tiếp tục cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, ngoài triển khai chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, chủ trương của huyện là đa dạng hóa nội dung thông tin tuyên truyền về hiệu quả của việc tổ chức sản xuất theo mô hình HTX; tiếp tục hướng dẫn, thành lập mới các HTX theo Luật HTX năm 2012.
Bên cạnh đó, chính quyền huyện cùng Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách tài chính tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách tiếp thị, thông tin thị trường, tư vấn giúp đỡ các HTX mở rộng hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Huyền Trang