Nhu cầu ngày càng cao
Những ngày này, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng tăng, chị Trần Thị Nhâm ở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) gần như chiều nào cũng vào cửa hàng trưng bày, giới thiệu và cung ứng thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc tại đường Ngọc Hồi để mua thực phẩm. Cửa hàng do UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo thành lập, đa dạng các loại nông sản tươi ngon, đáng tin cậy, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, dù giá cao hơn chợ dân sinh khoảng 20%...
Điểm trưng bày, giới thiệu và bán thực phẩm an toàn do UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo thành lập |
“Người tiêu dùng những năm gần đây có nhu cầu cao về tiêu thụ nông sản an toàn. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng kinh doanh nông sản tại các quận, huyện tăng đáng kể. Tuy nhiên, khi về quê thăm gia đình ở huyện vùng biển của tỉnh Nam Định và có nhu cầu mua thực phẩm thì tìm mãi không thấy các chuỗi cửa hàng an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Do vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, HTX cần xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán nông sản, thực phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cũng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm do người dân sản xuất ra”, chị Nhâm chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Dương Lợi, Phó Giám đốc CTCP Nhân Hòa, đơn vị được UBND huyện Thanh Trì cho phép thành lập các điểm trưng bày, giới thiệu và bán thực phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc cho biết, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, doanh nghiệp đã mở 6 cửa hàng tại huyện Thanh Trì.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở thêm một số chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch nữa theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo huyện Thanh Trì để bao tiêu nông sản của các HTX đã liên kết và cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn”.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, đến nay toàn thành phố có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 4.699 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp phép do các quận, huyện, xã, phường quản lý.
“Để loại hình kinh doanh này phát triển bền vững, các cá nhân, doanh nghiệp, HTX phải tuân thủ nghiêm các quy định về kinh doanh nông sản an toàn. Đồng thời phải xây dựng được chiến lược kinh doanh, dự báo thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa các hình thức phục vụ… để đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, bà Hằng cho biết.
Sớm phát triển chuỗi cửa hàng tại các tỉnh, thành phố
Thực tế cho thấy, tiêu thụ nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc không chỉ là nhu cầu của người dân tại Hà Nội, mà đã lan ra các địa phương khác. Đặc biệt, ngoài nhu cầu tiêu dùng thì nhà sản xuất là người dân, các doanh nghiệp, HTX cũng cần có những điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, để sản phẩm làm ra có được thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị nông sản được nâng cao, thương hiệu ngày càng phát triển, tránh được tình trạng bấp bênh về thị trường, bất ổn về giá cả.
Thành lập các điểm kết nối, tiêu thụ nông sản của người dân, HTX hiện nay là rất cần thiết |
Ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hải Phòng là người luôn trăn trở và có nhiều ý kiến đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ cho Liên minh HTX TP Hải Phòng mặt bằng tại vị trí thuận lợi để đơn vị xây dựng cửa hàng giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm an toàn ở địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, đến nay Liên minh HTX Hải Phòng vẫn chưa được hỗ trợ để triển khai thực hiện.
“Việc thành lập cửa hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi tại các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố phát triển về du lịch không chỉ giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại địa phương, mà còn là cơ hội để liên kết, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh ở các địa phương khác. Việc xây dựng chuỗi cửa hàng cũng giúp tránh được tình trạng giả nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị hàng hoá, giúp người dân, HTX có điểm tựa để sản xuất hàng hoá an toàn, chất lượng”, ông Đạo nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh thăm gian hàng trưng bày, giới thiệu nông sản tại Thái Nguyên |
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, việc thành lập, đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán nông sản, thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết và đúng với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những năm gần đây, Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực làm việc với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và đề nghị hỗ trợ Liên minh HTX các tỉnh, thành phố thành lập điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm để các HTX sản xuất tại địa phương có điểm giao dịch, kết nối nông thương. Đây là nhu cầu hết sức cần thiết, bởi ngoài việc người tiêu dùng có điểm mua hàng hoá nông sản sạch, có truy xuất nguồn gốc, người sản xuất có điểm giao dịch, giới thiệu và bán hàng, còn thực hiện được nhiệm vụ nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, có thị trường tiêu thụ bền vững, giúp người dân, HTX tích cực sản xuất, thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới được nhanh hơn, bền vững hơn.
“Những khó khăn về mặt bằng, về kinh phí và những vấn đề có liên quan đến xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các tỉnh, thành phố, thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với chính quyền địa phương và đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ để từng bước tháo gỡ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Phạm Duy