Bắc Ninh hiện có 523 HTX nông nghiệp, trong đó có 310 HTX dịch vụ nông nghiệp và 213 HTX sản xuất nông nghiệp. Những HTX chuyên ngành nông nghiệp là những đơn vị đem lại lợi ích về cho kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, năm 2019, các HTX chuyên ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu bình quân 920 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 146 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động 54 triệu đồng.
HTX nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên từ Tết Nguyên đán đến nay, các HTX trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, mặc dù có sự chỉ đạo tích cực của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam.
Bên cạnh đó, kinh tế HTX Bắc Ninh còn gặp khó khăn do dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi trong cả năm 2019.
"Trong năm 2019, các HTX gặp không ít khó khăn bởi lúa, hoa màu của nhiều HTX gặp dịch bệnh, chuột phá hoại trên diện rộng và dài ngày dẫn đến năng suất không cao. Trong khi đó, các HTX chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là những HTX chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi bị tiêu huỷ, HTX chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng bởi dịch cúm, giá cả nay lại xuống thấp dẫn đến nhiều HTX không còn vốn để tái đàn và khó khăn trong quyết toán trả nợ các tổ chức tín dụng cũng như công ty bán thức ăn chăn nuôi”, ông Trung trăn trở.
Các HTX chăn nuôi gia cầm ở Bắc Ninh đang gặp khó khăn vì dịch bệnh và giá thấp |
Ông Đặng Đức Thính, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua nắm bắt thực tế trước tác động của dịch Covid-19 thì các HTX hoạt động hết sức hạn chế, cầm chừng. Giá bán các sản phẩm là gà, vịt quá thấp, chỉ khoảng từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Đây là giá không mong muốn của các HTX, nhà nông vì không đảm bảo hoà vốn chứ chưa tính đến lãi.
“Hiện nay, số lượng HTX tạm dừng hoạt động tuy chưa được thống kê cụ thể nhưng trên địa bàn tỉnh cũng có khoảng hơn 20 HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm đều hoạt động cầm chừng. Các HTX sản xuất, chế biến rau, củ quả thì hoạt động tạm ổn định”, ông Thính nêu thực tế.
Tìm hướng tháo gỡ
HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình (thị trấn Đông Bình, huyện Gia Bình) là đơn vị chăn nuôi có hiệu quả kinh tế trên địa bàn trong những năm qua. Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Nguyễn Chí Hải cho biết, HTX có trang trại rộng hơn 7ha từ năm 2013 và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động.
Trước đây, bình quân trang trại của HTX liên kết nuôi khoảng 6.000 con lợn cho Tập đoàn Dabaco và khoảng 2.000 con lợn tự nuôi mỗi lứa vì HTX xin được thức ăn thừa của công nhân nhà máy điện tử Samsung Bắc Ninh. HTX lấy đây là nguồn lợi để chăn nuôi, giúp HTX có thu nhập ổn định vì chỉ cần nhân lực đi thu gom về ủ lên men, sau đó cho lợn ăn.
Trang trại lợn của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình gặp khó khăn vì dịch bệnh |
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường kể từ tháng 2/2019 là dịch tả lợn châu Phi và bước sang đầu năm 2020 là dịch Covid-19 nên HTX gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế nguồn lây bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nên Samsung đã hạn chế tổ chức cho công nhân ăn trong nhà máy. Lượng công nhân cũng được điều chuyển lên Thái Nguyên gần một nửa, tương đương khoảng 5.000 người nên thức ăn thừa ít đi. Thức ăn thừa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh nên HTX cũng không dám sử dụng làm thức ăn chăn nuôi lợn nữa.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa công bố hết dịch nên HTX cũng không dám tái đàn, mà đang chuyển dần sang chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, giá gia cầm sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/kg vịt hơi và 35.000 đồng/kg gà hơi nên HTX cũng rơi vào thua lỗ và không thể tiếp tục đầu tư.
“Dịch bệnh nên hầu hết các bếp ăn tập thể ngừng hoạt động, các nhà hàng, khách sạn cũng giảm tới 70% lượng khách, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học cơ sở, mầm non đều nghỉ, các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cũng thưa vắng khách nên không có người tiêu thụ. Nhu cầu hạn chế, giá cả xuống thấp, bán không đủ chi phí nên HTX đang phải gồng mình vượt khó. Để tránh nguồn thức ăn thừa của các nhà máy thải ra không được thu gom, xử lý gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát tán dịch bệnh nên HTX tiếp tục thu gom và ủ lên men, đồng thời đang triển khai nuôi cá lồng trên sông Đuống để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và chủ động tìm hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt. Về lâu dài, các HTX dịch vụ nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và Liên minh HTX từ trung ương tới địa phương về thời gian cho thuê đất, ưu đãi giá thuê đất và hỗ trợ vay vốn”, ông Nguyễn Chí Hải kiến nghị.
“Trên địa bàn Bắc Ninh trước đây có rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn, nhưng đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Nhà nước lại chưa công bố hết dịch nên hầu hết các chủ trang trại, các HTX chưa dám vào đàn. Để tháo gỡ khó khăn, Liên minh HTX Bắc Ninh kiến nghị lãnh đạo Trung ương và tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, cho vay vốn ưu đãi, cho thuê đất với giá hỗ trợ, xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm và kết nối tìm đầu ra ổn định cho nông sản để tránh cảnh ế ẩm, rớt giá như thời gian từ Tết Nguyên đán đến nay. Có như vậy mới giúp các HTX, nông dân tin tưởng, yên tâm đầu tư sản xuất”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh Đặng Đức Thính nói.
Phạm Duy