Xác định phát triển kinh tế hàng hóa có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, các thành viên HTX Đông Trường Sơn thời gian qua mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất trong nhà lưới.
Thay đổi nhận thức
Ông Đỗ Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: trước đây, các thành viên trồng cam V2, táo và các loại cây ăn quả khác nhưng cho hiệu quả không cao. Sau đó, các thành viên mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng trên 2.000m2 nhà lưới để luân canh trồng các loại rau với phương thức rải vụ thu hoạch quanh năm, trồng trái vụ...
Toàn bộ hệ thống tưới nước được điều khiển bán tự động bằng hai hình thức tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. Tùy vào điều kiện thời tiết để sử dụng như: Tưới phun sương vào dịp rét, cây còn nhỏ; khi cây lớn, thời tiết nóng ấm thì tưới nhỏ giọt.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX tăng cường đưa cây trồng trái vụ vào sản xuất. Ví dụ như vào thời điểm tháng 7 và tháng 8, HTX trồng cà chua; vào mùa mưa trồng rau cải. Với cách thức tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, HTX xác định đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình.
Trồng rau trong nhà lưới hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết. |
Trước kia, việc sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường chưa được các thành viên quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, từ sau khi triển khai trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới và xây dựng thương hiệu rau an toàn theo quy trình VietGAP, nhận thức của thành viên đã thay đổi.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu và thay thế dần bằng các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân khi vừa tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Là một trong những hộ áp dụng quy trình này, ông Nguyễn Văn Ba, thành viên HTX cho biết: Canh tác, sản xuất rau màu theo quy trình VietGAP và sử dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó, tiết kiệm được chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe, môi trường.
Bảo đảm được quy trình nên cuối năm 2020, HTX thực hiện đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm rau, củ quả. Đây là điều kiện để HTX an tâm sản xuất, mở rộng diện tích.
Không ngừng phát triển
Bình quân hàng tháng, HTX cung ứng ra thị trường 8 - 10 tấn các loại rau, chủ yếu là thị trường trong tỉnh. Vào thời vụ cao điểm, có ngày HTX cung ứng tới 4 - 5 tấn su hào, bắp cải.
Mức thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Thời vụ cao điểm có thể phải thu hoạch cả tối thì HTX trả công theo giờ. Tuy nhiên, do là mô hình áp dụng công nghệ cao, bán tự động nên HTX không cần phải thuê nhiều nhân công. Hiện tại chỉ có 3 nhân công làm việc thường xuyên.
Từ thành công bước đầu, HTX đang bắt tay vào mở rộng diện tích nhà lưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích trên 5.000m2.
Trồng rau công nghệ cao giúp giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. |
Ông Đỗ Văn Khánh cho biết: Bên cạnh trồng rau củ quả, HTX còn đầu tư 35.000m2 diện tích vườn trồng cây ăn quả, 1.000m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, gà... nhằm quay vòng sản xuất, hạn chế chất thải trong nông nghiệp.
Không dừng ở đó, HTX cũng đang đầu tư thêm 1 cửa hàng thực phẩm rau sạch để cung ứng tại địa bàn Gia Lâm, Hà Nội, đồng thời tới đây sẽ mở rộng thị trường tới Bắc Ninh và liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Thực tế sản xuất cho thấy, việc HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình của HTX Đông Trường Sơn, hy vọng sẽ có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương trong huyện phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đồng thời giải quyết bài toán bảo vệ môi trường tại các vùng nông thôn.
Huyền Trang