Mô hình thí điểm "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững" với quy mô 6,5 ha là một trong những mô hình được Kiên Giang đưa vào triển khai từ tháng 9/2019, với mục tiêu cung cấp nguồn lương thực sạch cho thị trường, đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống.
Trồng lúa hữu cơ bảo vệ môi trường (Ảnh:Internet) |
Triển khai mô hình
Để triển khai mô hình, Kiên Giang đã lựa chọn 3 HTX hoạt động chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp và sản phẩm lúa gạo, trong đó có HTX Nông nghiệp Tân Hưng.
Được thành lập từ năm 2007, sau gần 13 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp Tân Hưng trở thành một trong những HTX điển hình hoạt động hiệu quả và tổ chức sản xuất khép kín từ đầu vụ cho đến cuối vụ.
Cũng nhờ đó, tháng 9/2019, HTX được chọn là một trong 3 HTX triển khai mô hình thí điểm "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững" của tỉnh Kiên Giang.
Trước khi đi vào triển khai mô hình, thành viên HTX đã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bao gồm: cấy lúa đúng phương pháp, xử lý ốc, đất, giống và quy trình phun thuốc, bón phân. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ cho 3 ha và 30% phân bón hữu cơ cho 3,5 ha.
Do chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống dẫn đến việc mất nhiều sức lao động, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế…, nhận thấy những khó khăn về mặt trang thiết bị đầu tư cho sản xuất của HTX, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã giới thiệu để Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường - Liên minh HTX Việt Nam khảo sát và lựa chọn HTX Tân Hưng tham gia dự án hỗ trợ Xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Qua quá trình trao đổi, đánh giá, tổ công tác đã thống nhất hỗ trợ cho HTX Tân Hưng 2 máy cày (máy kéo nông nghệp Kubota), 2 lít phân vi sinh Lalitha 21 của Mỹ, hướng dẫn truy xuất nguồn gốc cùng 5.000 tem truy suất.
Việc này đã góp phần tạo động lực rất lớn cho HTX thúc đẩy sản suất kinh doanh, tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo phát triển bền vững.
Sản xuất lúa hữu cơ là hướng đi mới mà Kiên Giang đã và đang hướng tới (Ảnh: Internet) |
Hướng đi mới
Sau khi triển khai mô hình, HTX Nông nghiệp Tân Hưng cho biết, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng theo hướng dẫn thực hiện không chỉ giúp đất đai không bị thoái hóa, chai cứng, mà còn được cải tạo tốt hơn, tăng độ phì nhiêu, giúp cho cây lúa phát triển cân đối, đẻ nhánh khỏe, thân cứng, bộ rễ ăn sâu, khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt, hạt lúa mập, ít bị sâu bệnh hại.
Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ hóa học mà sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học từ phân gà và các thảo mộc có giá trị dinh dưỡng. Điều này mang đến hạt gạo an toàn, chất lượng và lợi nhuận cao hơn cho người dân.
Theo Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là hướng đi mới để xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, tạo dựng một nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn và bền vững, bởi nó không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, mà còn từng bước cải tạo đất đai, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài mô hình về cây lúa, vụ tới, năm tới và các năm tiếp theo, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang mong muốn nhiều mô hình trên nhiều loại cây trồng theo hướng hữu cơ nữa sẽ được nhân rộng. Đây cũng là hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững mà tỉnh Kiên Giang đang hướng tới.
Khánh Hồng