Mô hình trồng rau ăn lá của THT cho giá trị cao gấp 4 - 6 lần trồng lúa (Ảnh: Internet) |
Đổi mới sản xuất
Hầu hết các thành viên của THT Mỹ Tân vốn là các hộ trồng lúa - mô hình sản xuất truyền thống tại địa phương. Tuy nhiên, khi giá cả thị trường bấp bênh, giá trị cây lúa liên tục giảm sút, các hộ bắt đầu chuyển hướng sang trồng rau ăn lá.
Các loại rau được thành viên THT lựa chọn phổ biến như cải xanh, cải thìa, mồng tơi, rau muống, các loại rau gia vị (tía tô, hành…). Mô hình này nhanh chóng đem đến một “làn gió mới” so với mô hình trồng lúa truyền thống, không chỉ về kinh tế mà còn là những giá trị về môi trường, vệ sinh thực phẩm.
Ông Bùi Ngọc Giàu – Tổ trưởng THT Mỹ Tân, chia sẻ: “Mô hình sản xuất rau ăn lá chất lượng cao cho giá trị cao gấp 4 – 6 lần so với trồng lúa. Người dân có thể phải bỏ nhiều tâm sức hơn, nhưng lợi nhuận thu về luôn ổn định ở mức trên dưới 40 triệu đồng/1.000m2”.
Để duy trì hiệu quả và liên tục nâng cao lợi nhuận trong những năm qua, thành viên THT Mỹ Tân đã chủ động áp dụng nhiều kỹ thuật mới và thiết lập những quy định nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, đặc biệt là trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, để nâng cao chất lượng rau, THT thay thế hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa chất độc hại bằng các loại chế phẩm sinh học do thành viên tự nghiên cứu, chế tạo. Đơn cử, để hạn chế sâu bệnh, THT sử dụng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt…
Việc loại bỏ các loại hóa chất độc hại giúp THT hạn chế ô nhiễm nguồn nước, không khí, nguồn đất canh tác tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn, qua đó tạo môi trường thích hợp cho các loại rau phát triển mạnh, chất lượng cao, hình thức bắt mắt.
Môi trường được đảm bảo cũng giúp sức khỏe của đội ngũ sản xuất trong THT Mỹ Tân được nâng lên, các bệnh nghề nghiệp do lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón độc hại gây ra giảm đáng kể.
Sản xuất hữu cơ mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường cho THT (Ảnh: Internet) |
Khẳng định thương hiệu
Chia sẻ về thành công của THT, Tổ trưởng Bùi Ngọc Giàu cho hay khi mới bắt đầu thực hiện mô hình, các thành viên còn nhiều nghi ngại, tính tổ chức chưa cao, khiến hiệu quả trồng các loại rau chưa thực sự vượt trội so với trồng lúa.
Sau này, khi hiệu quả của mô hình được khẳng định, các thành viên bắt đầu liên kết chặt chẽ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về kỹ thuật, sản xuất an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường do THT đề ra, sự khác biệt mới thực sự đến.
Năm 2019, nhờ quy trình sản xuất đầy sáng tạo, THT Mỹ Tân vinh dự được chọn để tham gia Dự án sản xuất rau hữu cơ theo mô hình của Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản), với diện tích sản xuất trên 1.500m2. Đây là niềm tự hào và cũng giúp THT tạo tiếng vang trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Hiện tại, trong bối cảnh giá cả nông sản bấp bênh, THT Mỹ Tân vẫn đang có thị trường tiêu thụ ổn định. Bình quân mỗi tháng, THT cung ứng 1 – 1,5 tấn rau hữu cơ, 10 – 11 tấn rau an toàn ra thị trường, phần lớn được bao tiêu, giá cả hợp lý.
“Quy trình sản xuất sạch, chất lượng sản phẩm cao là cơ sở để THT xây dựng vị thế vững chắc trên thị trường, loại bỏ tình trạng “được mùa, mất giá”. Thời gian tới, THT sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận cho thành viên và đem đến nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”, Tổ trưởng Bùi Ngọc Giàu khẳng định.
Nhật Minh