Theo thống kê của UBND huyện Lâm Hà, toàn huyện hiện có 36 HTX đang hoạt động, trong đó có 30 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX dịch vụ vận tải, 2 HTX thương mại và 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn điều lệ khoảng 90 tỷ đồng.
Thêm động lực cho nông nghiệp công nghệ cao
Trong năm 2019 vừa qua, đã có 6 HTX thành lập mới tại Lâm Hà, gồm: HTX Cây ăn trái Thanh long Nam Hà, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hoàng Vũ, HTX Nông nghiệp hữu cơ Green Farm, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Phượng Hoàng Lâm Đồng, HTX Nông nghiệp Nam Ban và HTX Thương mại - vận tải và lữ hành - dịch vụ du lịch Gia Thành.
Trên địa bàn huyện Lâm Hà đã có 4 HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (Ảnh: Tư liệu) |
6 HTX mới thành lập này có 84 thành viên tham gia, với tổng vốn điều lệ 23,3 tỷ đồng. Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ thành lập mới cho 2 HTX trong số này với số tiền 20 triệu đồng.
Cùng với việc thành lập mới, trong năm 2019, huyện Lâm Hà cũng giải thể, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của 6 HTX đã ngưng hoạt động trong thời gian dài không có khả năng phục hồi: HTX Dịch vụ nông nghiệp rau hoa công nghệ cao Nam Hà, HTX Dịch vụ chăn nuôi bò sữa xã Gia Lâm, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Mai Anh Đào...
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp huyện đã coi sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo ngành chức năng huyện Lâm Hà, đến nay trên địa bàn huyện đã có 4 HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm HTX Su su Công Thành, HTX Sản xuất cây ăn trái bốn mùa, HTX Thương mại Dịch vụ La Ba Phú Sơn và HTX Dịch vụ chăn nuôi VIETGAHP Nam Đại Phát. Các HTX này sau khi thành lập đã nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành đầu tàu tạo động lực mới cho sản xuất công nghệ cao tại huyện Lâm Hà.
Tận dụng lợi thế, nâng cao giá trị
Năm 2012, xuất phát từ chính trăn trở xây dựng thương hiệu và nhu cầu phát triển kinh tế của những người cựu chiến binh đối với sản phẩm nông nghiệp tại địa phương mình, HTX Thương mại dịch vụ La Ba Phú Sơn được thành lập. Gần 8 năm qua, với tâm huyết, trí tuệ, công sức của những cựu chiến binh, HTX đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc với rất nhiều thương hiệu nông sản được người nông dân sản xuất trên chính quê hương Phú Sơn như: cà phê La Ba, Bơ La Ba, Mắc ca Laba…
Trong đó, đặc biệt là sản phẩm Chuối Laba Phú Sơn. Sự hình thành và phát triển của HTX đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa và nâng cao giá trị sản phẩm chuối Laba ra thị trường trong và ngoài nước.
Chuối Laba đã được xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc... (Ảnh: TL) |
Được thành lập và đi vào hoạt động theo Luật HTX 2012, ban đầu HTX Laba Phú Sơn cũng gặp không ít khó khăn khi chưa được nhiều người biết đến. Đa số các thành viên đầu tiên trong Hội đồng quản trị là những cựu chiến binh tâm huyết của xã Phú Sơn, trong đó Giám đốc HTX Nguyễn Tấn Chơi - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, là người hết sức tâm huyết với nông sản mang thương hiệu Laba Phú Sơn. Để đưa HTX nhanh chóng đi vào hoạt động và phát triển, ông vừa mở rộng diện tích sản xuất và chuỗi liên kết sản xuất - sơ chế và tiêu thụ.
Với một quy trình khép kín, HTX vừa sở hữu vườn ươm đầu dòng chuối Laba do một kỹ sư chuyên ngành trồng trọt đảm nhiệm, vừa xây dựng các xưởng sơ chế, đồng thời ký kết với doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, HTX đã ký được hợp đồng xuất bán 80 tấn chuối/tháng sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính này, chuối Laba không chỉ phải được trồng theo quy trình, tiêu chuẩn nghiêm ngặt như: không được dùng phân bón hóa học, điều tiết kịch cỡ, vỏ quả chuối phải được bảo quản bằng những tấm nylon lớn từ khi buồng chuối vừa trổ… Vì thế, các hộ nông dân trong chuỗi liên kết đều được HTX hỗ trợ đắc lực về cây giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, HTX thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn có khoảng 300 ha chuối Laba trải khắp các địa bàn Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh. HTX cũng đã thành lập 3 dây chuyền sơ chế ở Đan Phượng, Liên Hà và Đạ K’Nàng...
Bắt đầu từ năm 2018, sản phẩm chuối Laba của HTX Laba Phú Sơn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đó còn là những thị trường hết sức khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp. Đây là thành quả của một quá trình kiên trì gắn bó, khắc phục khó khăn, nỗ lực tìm kiếm thị trường của Hội đồng quản trị HTX Laba. Giờ đây, với năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn, giá cả thị trường ổn định, các hộ nông dân trong chuỗi liên kết đều hết sức yên tâm, phấn khởi và tin tưởng vào định hướng phát triển của HTX, đặc biệt là việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện, sản phẩm của HTX Phú Sơn liên kết tiêu thụ với Doanh nghiệp Cao nguyên La Ba Lâm Đồng. Theo Giám đốc HTX Phú Sơn Nguyễn Tấn Chơi, đơn vị đang tiến hành hợp đồng với đối tác là công ty ở Nhật Bản để xuất khẩu chuối Laba thành phẩm. Lãnh đạo UBND xã Phú Sơn cho biết, xã giao HTX chịu trách nhiệm liên kết các hộ dân để hình thành đầu mối sản xuất và tiêu thụ.
Đức Nguyễn