Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19 là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những tác động chỉ mang tính chất nhỏ lẻ do đa phần các loại sản phẩm nông nghiệp đều tiêu thụ nội địa, một số HTX được dồn điền đổi thửa, sản xuất quy mô đã chủ động triển khai liên kết từ đầu vào đến đầu ra với doanh nghiệp để bao tiêu nông sản.
Chủ động thị trường
HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Hóa (huyện Kim Bảng) là đơn vị tích cực triển khai việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm bao tiêu nông sản cho các thành viên HTX.
Chỉ tính riêng với cây dưa chuột xuất khẩu, mỗi năm HTX Đồng Hoá đã liên kết sản xuất hơn 100 ha, ở cả 2 vụ xuân và đông. Trong giai đoạn từ 2011 – 2019, tổng sản phẩm dưa chuột bao tử xuất khẩu của toàn HTX đạt 18.000 tấn, các cây hàng hóa khác đạt 95.000 tấn, với tổng giá trị sản xuất 313 tỷ đồng. Cùng với đó, lúa hàng hóa được liên kết với doanh nghiệp sản xuất 70 ha, cho doanh thu 3,8 tỷ đồng/vụ. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác tại Đồng Hóa đã đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Hoàng Nam, Giám đốc HTX Đồng Hóa cho biết, để có được vùng sản xuất tập trung, Hội đồng quản trị đã vận động người dân thực hiện dồn đổi, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo thuận lợi cho quy hoạch vùng, đưa cơ giới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.
Sau khi quy hoạch vùng, HTX đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản về ký kết thu mua sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.
Đầu mỗi vụ, các doanh nghiệp cùng HTX ký hợp đồng sản xuất về diện tích, chủng loại nông sản và thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho người dân. Về phía người dân phải có trách nhiệm thực hiện sản xuất và bán sản phẩm theo hợp đồng, HTX làm trung gian và đại diện cho người dân.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa chuột sẽ tăng giá trị để xuất khẩu (Ảnh: Phạm Duy) |
“Đến thời điểm này, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các ngành kinh tế, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với 40 ha dưa chuột xuất khẩu tại địa phương chuẩn bị cho thu hoạch và đều được ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp nên cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Đỗ Hoàng Nam chia sẻ.
Cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 là sản phẩm chuối tiêu hồng của HTX dịch vụ nông nghiệp Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên). Ông Phạm Công Sứ, Giám đốc HTX Mộc Bắc cho biết, chuối tiêu hồng được trồng nhiều tại các vùng bãi ven sông Hồng, sông Châu Giang thuộc thị xã Duy Tiên.
Riêng thành viên của HTX Mộc Bắc đã có hàng chục ha chuối được trồng trên diện tích đất bãi và đất lúa cốt cao chuyển đổi. Thời điểm trước và giáp Tết Nguyên đán, chuối tiêu hồng bán được giá nên người dân rất phấn khởi. Đến thời điểm này, do ảnh hưởng bởi dịch Covid, các thương lái hạn chế thu mua nên giá xuống thấp. Bình quân một nải chuối tiêu hồng loại 1 hiện chỉ có giá chưa bằng 50% so với giai đoạn cuối năm 2019.
“Chuối tiêu tuy rẻ nhưng phần lớn vẫn tiêu thụ được. Những buồng bé, các thương lái không thu mua được người dân chủ động mang ra chợ truyền thống bán. Số không bán được thì người dân tận dụng làm thức ăn cho bò thịt. Về cơ bản, tuy giá chuối xuống thấp, nhưng chưa tác động quá lớn đến sản xuất của người dân” ông Phạm Công Sứ cho biết.
Chuyển đổi mô hình, tăng cường liên kết
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp của các HTX nông nghiệp tỉnh Hà Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do sản phẩm nông nghiệp đã chủ động được thị trường tiêu thụ bằng cách liên kết sản xuất giữa người dân với HTX và doanh nghiệp, trong đó các HTX dịch vụ nông nghiệp là đầu mối, là trung gian để kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu nông sản đầu ra. Một số nông sản khác lại chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân nên sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó tại các cửa hàng trên địa bàn tỉnh và các chợ truyền thống.
Tiêu thụ chuối tiêu hồng ở Hà Nam không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 (Ảnh: TL) |
“Việc các HTX xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất trên đồng ruộng đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, an toàn đã đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đây chính là cơ hội giúp người dân tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và cung cấp hàng hoá thiết yếu ra thị trường dù dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Lê Quang Vọng cho biết.
Không chỉ các HTX chủ động liên kết bao tiêu nông sản, mà Hà Nam còn là một tỉnh có nhiều đột phá trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô tập trung, gắn với cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 650ha; tích tụ được hơn 375ha đất cho doanh nghiệp, HTX thuê. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh đi vào sản xuất và trở thành hạt nhân liên kết chuỗi giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Hoài Nam