HTX Tân Mỹ Tiền thân là THT Cây ăn trái Tân Mỹ. HTX tập trung trồng bưởi đường lá cam, cam, bưởi da xanh, quýt. Khi đi vào hoạt động, HTX đã tổ chức thành 4 nhóm sản xuất, gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời để Ban Giám đốc HTX tiến cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm.
Nghiêm túc sản xuất
Anh Võ Minh Tấn - Phó Giám đốc HTX, cho biết sản xuất nông nghiệp an toàn là gần gũi môi trường, thân thiện với thiên nhiên để phát triển bền vững. Chính vì vậy, toàn bộ 40 ha diện tích cây ăn trái của HTX được đầu tư với phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tiêu chuẩn VietGAP bắt buộc người trồng cây ăn trái phải cải tạo đất thành 1 hàng, khoảng cách giữa hàng phải đủ cho xe cơ giới ra vào bón phân, thu hoạch. Nước tưới cho cây sau khi bơm từ sông lên đều phải lọc tự nhiên bằng lục bình, phơi nắng kết hợp với lọc bằng phèn chua, vôi sống để xử lý tiệt trùng. Nước đã qua xử lý được dẫn trực tiếp vào hệ thống vừa kết hợp tưới nhỏ giọt vừa tưới phun sương đề “tắm” cho cây nhằm bảo đảm độ ẩm, xua đuổi côn trùng.
Để phòng bệnh và tránh vi khuẩn, côn trùng đeo bám, thâm nhập, gốc cây luôn được các thành viên quét vôi trắng. Rải rác bên ngoài và xen kẽ các hàng cây, HTX bố trí hệ thống bẫy côn trùng dùng đèn sáng ban đêm, hoặc chất gây mùi để bắt côn trùng hút chích làm hại cây, trái.
Phân bón và hóa chất độc hại đều phải loại bỏ, thay vào đó và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên phân bón hữu cơ.
“Các vườn đều phải thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, đánh giá nội bộ và nghiệm thu sản phẩm theo từng vườn, từng giống cây. Sản phẩm được bao gói, dán nhãn rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và có thể truy xuất nguồn gốc đến từng hộ, từng giống”, Phó Giám đốc Võ Minh Tấn cho biết.
Bên cạnh đó, từng sản phẩm đều có mã QR Code cho phép thiết lập các thông tin cơ bản về sản phẩm cho từng hộ sản xuất là thành viên HTX hoàn thiện quy trình. Điều này cho thấy HTX đang dần công nghệ hóa từ quy trình trồng trọt, chăm sóc cho tới khâu đóng gói để đưa sản phẩm cây ăn trái an toàn 100% ra thị trường.
Thành quả sau quá trình sản xuất theo VietGAP là trái cây của HTX làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên”. Đây là tiền đề để HTX ký được hợp đồng lâu dài với Saigon Co.op. Hàng năm, HTX xuất ra thị trường hàng trăm tấn trái cây, mang về doanh thu từ 4 tỷ đồng.
Sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể |
Chú trọng yếu tố nội tại
Hiện, trong số 9 thành viên của HTX có 4 thành viên đã tốt nghiệp đại học, còn lại đều có trình độ cao đẳng và trung cấp, nên hầu hết các yêu cầu về ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình canh tác đều không quá khó khăn. Các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết.
HTX luôn có kế hoạch đào tạo cán bộ để nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, chuyên môn. HTX còn tích cực tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, cùng với đó đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động, mở rộng thị trường.
HTX còn tổ chức cho các thành viên đăng ký chủng loại vật tư cần thiết và mua sắm tập trung số lượng lớn từ nhà sản xuất, bước đầu tư cung cấp một số vật tư đầu vào, chính vì vậy đã kiểm soát được chất lượng và giảm giá thành vật tư đầu vào cho các thành viên.
Khi nghiêm túc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, HTX đã cung ứng cho thị trường sản phẩm trái cây an toàn, thân thiện và bền vững với môi trường. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu.
Như Yến