Hiện có khoảng 20 quốc gia trồng vải và 15 quốc gia trồng nhãn. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, thứ hai là Ấn Độ với 677.000 tấn/ năm, Việt Nam đứng thứ ba với sản lượng 380.000 tấn/năm, tiếp theo là Thái Lan với 48.000 tấn/ năm và Bangladesh với khoảng 12.000 tấn/năm.
Chủ yếu xuất tươi
Đánh giá về cơ hội của quả vải, nhãn Việt Nam, PGs.Ts Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết: "So với diện tích nhãn, vải của Trung Quốc thì diện tích trồng nhãn, vải của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch cũng như chất lượng giống của các nước khác nhau, do đó Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đưa các sản phẩm của mình vào các thị trường nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới".
Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá, xuất khẩu (XK) quả vải, nhãn Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung vào xuất tươi là chính, sản lượng chế biến rất thấp. Sản lượng chế biến chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. XK tươi đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch và bảo quản sản phẩm, trong khi sản phẩm chế biến không chịu sự kiểm dịch của các nhà nhập khẩu.
Đại diện huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, huyện Lục Ngạn từ nhiều năm nay mong muốn có sản phẩm chế biến từ vải thiều, nhưng đến giờ vẫn chủ yếu là bán sản phẩm tươi và một số ít sấy khô.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, khó khăn lớn nhất chính là khâu bảo quản. Trái vải tươi chỉ để được ba ngày, chỉ thị trường Trung Quốc gần khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn mới có thể đáp ứng được.
XK trái vải đi Nhật, Mỹ và các nước châu Âu, các DN buộc phải vận chuyển bằng đường hàng không khiến giá thành sản phẩm cao, mặt khác tỷ lệ hao hụt cao, nên lợi nhuận thấp.
Ông Bình cho biết, giá vải thiều bán sang Mỹ dự kiến khoảng 10-12 USD. Trong khi đó, chi phí chiếu xạ mất khoảng gần 1 USD và chi phí vận chuyển 5 USD, tổng cộng là 6 USD, chưa tính chi phí sản xuất, thu hoạch.
Đồng quan điểm, PGs. Ts. Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết theo phản ánh của những doanh nghiệp (DN) XK vải, hiện chất lượng quả vải tươi của Việt Nam được đánh giá tốt nhất so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… Tuy nhiên, quả vải tươi của Việt Nam đang chịu áp lực về phí vận chuyển.
Ví dụ như để vận chuyển quả vải sang Úc, Canada, các DN Việt phải chịu chi phí đắt gấp hai lần so với quả vải Trung Quốc. Chi phí cao khiến DN Việt không cạnh tranh được về giá. Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì của quả vải Việt Nam cũng chưa được thiết kế đẹp, bắt mắt như của các nước.
Hơn nữa, đặc tính của quả vải, nhãn là nếu không áp dụng bất cứ một công nghệ nào thì chất lượng sẽ suy giảm, đầu tiên là vỏ biến màu, khô, tiếp đó là hư hỏng bên trong. Quả vải, nhãn muốn bảo quản lâu cần phải bảo quản lạnh, vận chuyển lạnh, chiếu xạ, XK bằng đường hàng không. Chưa kể thời gian di chuyển kéo dài, nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ làm suy giảm chất lượng sản phẩm, tỷ lệ hư hỏng cao.
Ông Nguyễn Văn Phong, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của vải, nhãn, chôm chôm hiện nay là 25-30%, đôi khi lên tới 50%. Tỷ lệ này giảm một chút, khoảng 11- 35% đối với các hộ nông dân tham gia HTX.
Quả vải chủ yếu XK tươi, giá trị thu về thấp |
Tạo chính sách khuyến khích DN
Như vậy có thể thấy rõ, việc chủ yếu XK tươi, bảo quản chế biến kém đang là nguyên nhân khiến giá trị thu về của quả vải, nhãn còn thấp. Đây cũng là thực trạng chung của ngành trái cây.
Theo Cục Công Thương địa phương, những năm gần đây, DN trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, đã quan tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến rau quả.
Điển hình như Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, CTCP Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco), CTCP Lavifood… đã đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất chế biến, bảo quản rau quả.
Chỉ trong hai năm 2017-2018, các DN trên đã đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại được sử dụng như thiết bị đóng gói của Tetra Pak, công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương, công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt…
Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, thậm chí sản lượng thực tế cũng chỉ đạt trên 500.000 tấn sản phẩm/năm với tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%.
Điều đó dẫn đến sản phẩm chế biến từ trái cây đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến của các nhà máy còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…
Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại quả tươi cũng là một trong những điểm yếu lớn, gây hạn chế cho việc vận chuyển trái cây đi xa và XK.
Trước thực trạng trên, Cục Công Thương địa phương khuyến nghị các địa phương cần nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng; Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị XK.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng để ngành trái cây Việt Nam nâng cao giá trị, cần các DN tham gia chế biến, qua đó đa dạng sản phẩm.
Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, XK rau quả Việt Nam năm 2018 đã vượt qua con số 3,8 tỷ USD, nhưng thực tế phải thấy rằng khi nói mật độ phải "giải cứu" thì ngành rau quả là đáng lo nhất do trái cây đa phần là sản phẩm mang tính thời vụ. Muốn chấm dứt tình trạng này, chỉ có cách thu hút DN đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất, áp dụng công nghệ đẩy mạnh chế biến, bảo quản.
Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến DN kém mặn mà là do chính sách hỗ trợ trong các văn bản rất nhiều nhưng đi vào ngành rau quả còn ít. Do vậy, cần chính sách phát triển các nhà máy, có tiêu chí rõ ràng để hỗ trợ.
"Nhà máy ứng dụng công nghệ cao, giúp đỡ cho 20.000 hộ nông dân thoát nghèo thì cần chính sách khác, nhưng nếu nhà máy chỉ làm ra 2-3 tỷ đồng doanh thu, chỉ liên kết với khoảng 100 hộ nông dân lại cần chính sách khác. Quan điểm là nhà máy quy mô lớn sẽ tiếp cận với các khách hàng lớn, nông dân tham gia chuỗi giá trị sẽ không phải lo "bóc ngắn cắn dài", hạn chế được tình trạng được mùa mất giá", ông Thành nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cần có công nghệ bảo quản trái vải làm sao có thể vận chuyển đường biển đi các nước châu Âu, châu Mỹ. Vài năm trước đây, huyện Lục Ngạn đã từng được Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chuyển giao công nghệ bảo quản trái vải để XK sang Úc. Tuy nhiên, các lô vải thiều khi được bảo quản XK sang Úc trong năm 2016 và 2017 vẫn bị hư hỏng nhẹ. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Vấn đề của ngành sản xuất trái cây Việt Nam là chậm cơ giới hóa, thiếu công nghệ trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng sản phẩm bị giảm nhiều trong suốt quá trình lưu thông, phân phối. Trong khi đó, mức độ đầu tư cho khâu chế biến của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Xu hướng của thị trường thế giới là các sản phẩm trái cây sấy dẻo và sấy khô. Đây là thông điệp và tầm nhìn mới cho những sản phẩm của chúng ta, cần quan tâm nhiều hơn. Đây cũng là một dư địa về kinh doanh để chúng ta điều chỉnh sản xuất, qua đó nâng cao giá trị và vượt qua hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật thông thường. |