Hải quan cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) cho biết, từ đầu năm đến nay, nông sản xuất khẩu (XK) qua cửa khẩu duy trì đà tăng trưởng tốt. Tính đến ngày 10/6, tổng sản lượng nông sản XK qua cửa khẩu Hà Khẩu đạt 535 nghìn tấn, tăng trưởng 10.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa khi nào người nông dân trồng trái cây trên cả nước lại vui mừng vì được mùa và giá lại cao như năm nay do thương lái Trung Quốc ồ ạt gom hàng nên giá được đẩy lên cao.
Trung Quốc khát hàng, trái cây Việt tăng giá
Bà con nông dân trồng dưa hấu tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa vui mừng cho biết chưa năm nào dưa hấu được mùa như năm 2019.
Bà Hoàng Thị Thắng – một người trồng dưa, chia sẻ năm ngoái giá dưa hấu bán cho thương lái là 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay do thương lái Trung Quốc ồ ạt sang mua nên đã đẩy giá lên 9.000 đồng/kg, thậm chí nhiều quả còn non nhưng thương lái vẫn đề nghị chủ vườn hái bán.
“Dưa hấu trồng ngắn ngày, khoảng 3 tháng có thể thu hoạch, do đó bà con nông dân tích cực tái canh, do nhiều thương lái Trung Quốc hẹn sẽ quay lại mua tiếp”, bà Thắng cho hay.
Không chỉ dưa hấu, nhiều mặt hàng trái cây khác như: thanh long, sầu riêng, vải, chuối… cũng tăng giá mạnh so với những năm trước.
Thông tin từ nhiều nhà vườn cho biết giá thanh long tăng thêm 40% so với cùng thời điểm năm ngoái. Chẳng hạn, thanh long ruột đỏ hiện được bán ra ở mức 35.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại, trong khi vào thời điểm năm ngoái giá thanh long giảm xuống còn chưa đầy 10.000 đồng. Thanh long ruột trắng là 15.000 – 20.000 đồng/kg, cũng tăng thêm 40% so với vụ năm ngoái.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, Giám đốc HTX Thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), nhận định nguyên nhân khiến giá thanh long ruột đỏ tăng mạnh dịp này là do thương lái thu gom mạnh, trong khi nguồn cung không nhiều. Ngoài ra, năm nay chất lượng quả thanh long đồng đều, mẫu mã đẹp nên thị trường XK, đặc biệt là Trung Quốc chuộng. Mặt khác, doanh nghiệp Trung Quốc mua một vài nhà kho, đứng ra tổ chức gom mạnh thanh long khiến thị trường thu mua sôi động hơn
Tương tự, giá chuối hiện ở mức cao với 14.000-16.000 đồng/kg. Hay như giá mít Thái lên mức cao nhất trong nhiều năm nay, lên tới 55.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn cho biết không có đủ hàng cho thương lái gom mua xuất đi Trung Quốc.
Còn giá sầu riêng cũng đang “ngoài mức mong đợi” của bà con nông dân, dao động ở khoảng 65.000 – 75.000 đồng/kg tùy loại, trong khi năm ngoái giá bán dao động 20.000 đồng – 25.000 đồng/kg.
Giá cả các mặt hàng trái cây tăng mạnh thời gian qua, song nhiều nhà vườn thừa nhận cũng khá lo lắng, thấp thỏm. Bởi từ trước tới nay, thị trường Trung Quốc dù lớn song không ổn định.
Giá cao từ đầu vụ nhưng trái cây Việt vẫn chưa hết lo |
Chưa hết thấp thỏm
Hiện tại, nông dân đang phấn khởi vì nông sản làm ra đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nhưng không ai biết khi nào họ ngừng mua và mức giá này sẽ duy trì được bao lâu?
Một khi Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu, nông dân đành ngậm ngùi phá bỏ công sức lao động của mình. Với kiểu “mưa nắng thất thường” như vậy, người nông dân thực sự rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế cho thấy, thanh long, mít Thái hay sầu riêng cũng đã không ít lần rơi vào cảnh bế tắc đầu ra.
Đồng tình, ông Ửng cũng khuyên bà con nông dân nên cảnh giác với thương lái Trung Quốc và tìm thêm đầu ra XK từ các nước châu Á khác để tránh tình trạng bị ép giá.
Một chuyên gia trong ngành khuyến cáo, khi giá các loại trái cây bất ngờ tăng cao, các nhà vườn cần bình tĩnh, không ồ ạt tăng diện tích để tránh tình trạng một thời gian sau hàng dội chợ, giá lại giảm mạnh.
Mặt khác, vị chuyên gia này còn đưa ra cảnh báo về mặt chất lượng: “Thương lái Trung Quốc sẽ không còn dễ dãi khi mua trái cây Việt Nam khi cơ quan quản lý nước này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu”.
Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan. Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả…
Để hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, người nông dân phải tiên phong đi tìm hiểu thị trường, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, “bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có”. Ngoài ra, phải đáp ứng nhu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Đó chính là giải pháp để không còn “giải cứu” bế tắc đầu ra như thời gian qua.
Thanh Hoa