Ông Hà Tiến Phước, Giám đốc marketing của một công ty nước giải khát ở Tp.HCM, cho biết khi tung mặt hàng mới ra thị trường nội địa, bước đầu tiên là công ty vẫn phải phân phối tại các chợ truyền thống, các shop, sau đó mới tính đến chuyện tiếp cận các kênh siêu thị lớn như Co.op mart, Lotte, Big C… hay các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Circle K.
Khó vào kênh siêu thị
Theo ông Phước, chiến lược của doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng nước trái cây là vẫn phải tiếp cận các kênh bán lẻ hiện đại, bởi đây là sản phẩm phù hợp với giới trẻ vốn thường xuyên lui tới các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
"Thế nhưng, trong quá trình tiếp cận hệ thống siêu thị, công ty gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, sản phẩm mới khi chào hàng ở siêu thị phải qua rất nhiều vòng, nếu theo đúng quy trình để đưa lên kệ hàng phải cần tới 1,5 tháng. Công ty phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà phía siêu thị yêu cầu", ông Phước chia sẻ.
Hơn nữa, một số siêu thị lớn do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hiện đang hạn chế đưa hàng Việt vào hệ thống của họ. Chưa kể, phần chiết khấu của một số siêu thị khá cao. Điều này khiến những DN nội trong phân khúc nước trái cây muốn đưa hàng vào siêu thị gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, vị giám đốc marketing này tỏ ra lạc quan về tốc độ tăng trưởng của thị trường nước trái cây tại Việt Nam, hiện đang ở mức hơn 15%. Đây là lý do mà không ít DN nội trong ngành hàng nước giải khát nhảy vào để tranh giành thị phần.
Xoay quanh vấn đề cạnh tranh của khối nội trên thị trường trong nước tại buổi ra mắt sản phẩm nước trái cây mới từ nguồn nguyên liệu nha đam vào ngày 17/7 của DN nội địa ở huyện Hóc Môn (Tp.HCM) là công ty TNHH nước giải khát Lai Phú, ông Trần Phan Tế, Giám đốc công ty, cho rằng chuyện cạnh tranh ở phân khúc nước trái cây luôn luôn xảy ra. Điều quan trọng là DN nội cần đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng (NTD).
Bên cạnh đó, DN nội địa cần tuân thủ những cam kết mà mình đã đề ra đối với chất lượng, cũng như đối với nhà phân phối, đối với thị trường.
Thực tế cho thấy, ngoài việc cạnh tranh trên thị trường, cạnh tranh về kênh phân phối, nhiều DN nội trong lĩnh vực nước trái cây hiện còn phải cạnh tranh về vùng cung cấp nguyên liệu để sản xuất nước trái cây.
Các DN nội thường phải đối mặt với tình trạng nguồn nguyên liệu thiếu ổn định hoặc không kiểm soát được việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhất là với các sản phẩm nước trái cây xuất khẩu.
DN nội trong phân khúc nước trái cây vẫn khó vào kênh siêu thị |
Nắm bắt xu hướng mới
Liên hệ trực tiếp từ hoạt động sản xuất của DN mình, ông Trần Phan Tế cho biết ngay từ lúc đầu, công ty đã phải tập trung vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và kiểm tra khắt khe các tiêu chuẩn đầu vào nhằm chọn ra được nguồn nguyên liệu tốt phục vụ cho sản xuất nước trái cây.
"Thị trường luôn luôn có những sản phẩm tốt và đáp ứng nhu cầu của NTD. Vấn đề là DN cần nghiên cứu, tìm hiểu những nhu cầu, xu hướng của NTD ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai", ông Tế bộc bạch.
Trong câu chuyện cạnh tranh của khối nội trên thị trường nước trái cây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết điều đáng ghi nhận là không ít DN đã "bắt" được xu hướng tiêu dùng mới cũng như quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu cho đến máy móc sản xuất, kênh phân phối, marketing sản phẩm mới.
Với tất cả những yếu tố này, theo bà Hạnh, sẽ cho phép các DN nội trong phân khúc nước trái cây gia tăng thêm hy vọng khi đưa các sản phẩm mới ra thị trường.
Giới chuyên gia đánh giá tiêu thụ nước giải khát, trong đó có nước trái cây năm 2020 ở thị trường Việt Nam có triển vọng đạt 109 tỷ lít. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường nước trái cây được cho là ở mức hai con số so với tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường thức uống được dự báo là 6% đến năm 2020.
Hiện nay, NTD Việt đang dần chuyển sang sử dụng nước trái cây nguồn gốc hữu cơ có lợi cho sức khỏe, vì vậy một số DN Việt cũng đã chuyển sản xuất các loại nước trái cây sạch và hữu cơ nhằm tăng tính cạnh tranh.
Trong bối cảnh thị trường nước giải khát Việt Nam có hơn 1.800 DN hoạt động, theo giới chuyên gia, sức cạnh tranh trên phân khúc thị trường nước trái cây là cực kỳ khốc liệt, nhất là áp lực từ các "đại gia" trong ngành (cả khối nội lẫn khối ngoại) sẽ là thách thức lớn với các DN nhỏ và vừa.
Điều đó đòi hỏi DN Việt cần nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới để đưa ra sản phẩm phù hợp đáp ứng thị hiếu tiêu dùng ngay trên sân nhà, đồng thời phải có chiến lược phân phối linh hoạt nhằm đứng vững trong cuộc cạnh tranh này.
Thế Vinh