Nuôi cá lồng là hướng phát triển kinh tế thế mạnh của huyện Chiêm Hóa. Để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác và HTX hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, mở rộng thị trường tiêu thụ cá thương phẩm. Đồng thời, nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi thử nghiệm các giống cá mới... nhằm đa dạng các loại cá thương phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng cá nuôi.
Hạn chế chất thải, dịch bệnh
Nắm bắt được điều này, 25 hộ dân xã Yên Lập đã cùng nhau thành lập HTX, nuôi 68 lồng cá trắm, chép, diêu hồng, rô phi, lăng, tầm.
Nuôi cá lồng cho giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, mặt trái của nghề này là sự ô nhiễm môi trường do mất cân bằng sinh thái, do tác động quá lớn của con người vào dòng chảy tự nhiên cũng như lượng hóa chất, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi thải ra. Những điều này đã tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, tới những loài động thực vật khác sinh sống ở cùng dòng nước.
Nhằm hạn chế tình trạng trên, các thành viên HTX Yên Lập đã tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá; tìm hiểu đặc tính sinh học từng loại cá để đề ra phương pháp chăm sóc phù hợp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nắm bắt quy trình nuôi cá lồng VietGAP giúp hạn chế dịch bệnh. |
Cùng với đó, HTX thường xuyên cử các thành viên tham gia tập huấn cách thức nuôi, chăm sóc cá lồng do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Đặc biệt, thành viên được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh hướng dẫn quy trình nuôi cá lồng, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP.
Thay vì mỗi ngày cung cấp quá nhiều loại cám cùng các loại thuốc chữa bệnh, thuốc ngừa bệnh cho cá, HTX tuân thủ cho cá ăn với lượng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Ngoài cho cá ăn cám, HTX còn kết hợp cho ăn các loại rau xanh và cá tạp băm nhỏ.
Thay vì sống trên nhà nổi, các thành viên thay phiên nhau làm việc nhằm hạn chế những hệ lụy xấu về ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả của quy trình nuôi cá khoa học là nguồn nước ở lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa không bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên vẫn được bảo đảm, đặc biệt là khu vực xung quanh các lồng nuôi cá của HTX.
Đây là điều kiện thuận lợi giúp các lồng cá phát triển theo đúng kế hoạch, không bị dịch bệnh. Vào mùa mưa bão, để tránh tổn thất, các thành viên chủ động gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ, thông thoáng...
Sức bật từ chuẩn VietGAP
Theo tính toán của HTX, sản lượng cá đạt 4 - 5 tạ/lồng/năm, thu nhập bình quân mỗi thành viên 4 - 5 triệu đồng/tháng. Anh Đào Việt Thế, Phó Giám đốc HTX chia sẻ, các thành viên chú trọng nuôi cá theo quy trình VietGAP, bảo đảm các khâu kỹ thuật từ việc chọn cá giống, đến mật độ nuôi thả, rồi lựa chọn các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, nên hạn chế những thiệt hại đáng tiếc cả về kinh tế và môi trường.
Năm 2020, sản phẩm cá lồng của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, xã Yên Lập đang từng bước tạo điều kiện giúp HTX xây dựng thương hiệu cá lồng trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nuôi cá lồng an toàn là hướng phát triển kinh tế hiệu quả nên nhận được sự quan tâm của các cấp ngành. |
Nghề nuôi cá lồng của huyện Chiêm Hóa mang lại thu nhập khá cho người dân nên đang được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển. Theo đại diện UBND huyện Chiêm Hóa, có được thành quả như HTX Yên Lập hôm nay là cả một quá trình. Ngay từ khâu đầu tiên trong việc giảm thiểu những thiệt hại, gìn giữ môi trường trong nuôi cá lồng chính là HTX đã tuân thủ nghiêm công tác quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Đến nay, lồng cá của HTX nằm trong vùng sinh thái được địa phương cho phép sản xuất. Đồng thời, HTX chú trọng phát triển hạ tầng và áp dụng khoa học kỹ thuật nên đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch.
Việc khai thác hiệu quả diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Yên Lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu về sản phẩm cá thương phẩm sạch trên thị trường, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.
Như Yến