HTX Xuân Lập được thành lập vào cuối năm 2011, với 11 thành viên, vốn góp điều lệ là 220 triệu đồng, vốn tự quản là 18 tỷ đồng.
Hoạt động hiệu quả
Xuân Lập là địa phương có phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá mạnh với quy mô vừa và lớn ở Đồng Nai. HTX Xuân Lập ra đời đã kế thừa và phát triển thành công nghề chăn nuôi tại đây.
HTX đang phát triển đàn lợn với tổng đàn 6.500 con, trong đó 550 con lợn nái. Khu vực chuồng trại được xây dựng bảo đảm yêu cầu, với khu vực sân chơi và hệ thống thoát nước bảo đảm yêu cầu. HTX áp dụng tiến bộ KH-KT hiện đại trong chăn nuôi lợn, như sử dụng men vi sinh, tăng cường cho ăn bằng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng chất cấm.
HTX cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thành viên loại bỏ việc sử dụng kháng sinh, các chất kích thích trong chăn nuôi, đẩy mạnh phong trào “Nói không với chất kích thích”, đặc biệt là chất tạo nạc thuộc nhóm cấm sử dụng trong chăn nuôi lợn, để bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Viết Dự - Giám đốc HTX Xuân Lập, cho biết HTX chịu trách nhiệm trước pháp luật, nên việc quản lý thương phẩm khi xuất ra thị trường được kiểm tra chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xuất sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của HTX.
Một khu chăn nuôi của HTX
Đầu tư nuôi lợn cần vốn lớn, lại dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh, nên HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để được chuyển giao KH-KT chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, do vậy chi phí đầu tư giảm và có cơ hội học hỏi kinh nghiệm HTX có kỹ sư và bác sỹ thú y thường xuyên theo dõi nhằm chủ động kiểm soát dịch bệnh, giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh. HTX còn là cầu nối giữa 3 nhà: doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông, nên khi vào HTX, các thành viên vừa có điều kiện nâng cao thu nhập, vừa được chia lãi cổ phần, lại có nguồn giống, thức ăn bảo đảm.
Bảo vệ môi trường
Hiện nay, khu chăn nuôi của HTX đều nằm trong vùng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nên bảo đảm nằm xa khu dân cư, hạn chế được tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và ô nhiễm môi trường.
HTX đã xây dựng hệ thống hầm khí biogas giúp xử lý chất thải chăn nuôi và tận dụng khí đốt tối đa. Theo Ban Giám đốc HTX, hàng ngày, lượng phân và nước tiểu từ chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 20 - 30 tấn, nếu không xây dựng hệ thống hầm biogas thì không thể xử lý triệt để được nguồn nước thải và phân lợn, làm ảnh hưởng đến môi trường.
HTX cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ trang trại để tiện kiểm soát, kịp thời chỉ đạo mọi công việc. Khu chăn luôn xanh, sạch, thông thoáng. Chuồng nuôi có hẳn hệ thống máy lạnh làm mát luôn đảm bảo nhiệt độ dao động 28 -30oC, không có mùi hôi, có máng ăn tự động và có bảng ghi chi tiết lịch ăn, tiêm phòng, khối lượng thức ăn cho từng đàn lợn…
Các khâu phòng bệnh, tiêm phòng cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại, phun xịt thuốc khử độc sát trùng cũng được thực hiện thường xuyên và theo đúng định kỳ.
HTX cũng kiểm soát chặt chẽ người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh xâm nhập, áp dụng nghiêm ngặt quy định sát trùng, bảo đảm nguồn nước cũng như nguồn thức ăn hằng ngày luôn sạch sẽ, trang trại miễn nhiễm trước nhiều dịch bệnh, tất cả lứa lợn đều khỏe, ăn ngủ tốt, nhanh lớn.
Mô hình sản xuất của HTX đã tạo ra tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp. HTX mong muốn có nhiều chủ trang trang tham gia HTX để hoạt động chăn nuôi ngày càng lớn mạnh, giúp ổn định giá và chủ động mở rộng quan hệ, liên kết với các đơn vị kinh doanh ngoài tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững.
Như Yến