HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn (Thanh Hóa) đang thực hiện thu gom rác thải tại 13/15 xã trong huyện Đông Sơn. HTX thực hiện thu phí vệ sinh môi trường từ 15.000 - 35.000 đồng/hộ/tháng. Theo lý giải của ban giám đốc HTX, trước đây, mức thu phí chỉ dưới 10.000 đồng/hộ/tháng nhưng nay dù có xã tăng lên 30.000 - 35.000 đồng/tháng nhưng tính ra cũng chỉ là làm công ích, bởi quãng đường đưa về bãi rác để xử lý dài 30km, trong khi lượng rác ngày càng nhiều, giá xăng dầu ngày càng tăng.
Phí thấp, lại khó thu
Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc HTX Tân Sơn chia sẻ: Đã có những công nhân, thành viên HTX ngừng việc, phản đối không làm vì đường đi và điểm tập kết rác quá xa. Trong khi nhiều hộ gia đình không đóng tiền phí.
Nếu HTX Tân Sơn tăng được phí thu gom, vận chuyển rác thải ở một số xã thì HTX Dịch vụ môi trường tại Thanh Hà (Đồng Nai) lại khác. Dù nhiều lần kiến nghị với chính quyền và các hộ dân nhưng hàng năm qua, mức thu phí mới chỉ ì ạch dưới 10.000 đồng/hộ/tháng.
Bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX cho biết, đi thu phí ở các địa phương, nếu đóng cao thì người dân không đóng, thu phí cũng không dễ. Chính vì vậy mà HTX hầu như không có lợi nhuận, chủ yếu là tạo việc làm cho thành viên và giúp địa phương hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thấp hoặc khó thu là tình trạng không hiếm gặp ở nhiều địa phương. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện nay, ngay tại Hà Nội, mức phí thu đối với mỗi người chỉ ở mức 6.000 đồng/tháng đối với nội thành, 3.000 đồng/tháng với ngoại thành. Tại TP.Hồ Chí Minh, hộ gia đình nội thành nhà mặt tiền ở chung cư cao cấp, hạng I, hạng II có mức thu phí vệ dinh môi trường là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình ở nội thành có nhà trong hẻm, hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng.
Còn nhiều nơi ở các tỉnh thành, mức thu phí chỉ 4.000-5.000 đồng/tháng. Trong khi đối với người dân ở vùng quê, để thu phí vệ sinh môi trường còn phải phụ thuộc vào mùa vụ. Do đó, có những HTX, doanh nghiệp vệ sinh môi trường phải đợi đến nửa năm trời mới thu được khoản tiền này.
Mức thu phí rác thải thấp, trong khi chi phí nhân công, nhiên liệu, đầu tư cho công tác bảo hộ ngày một tăng, lượng rác thải ngày một lớn. Nghịch lý này khiến nhiều HTX chưa thể tăng tần suất thu gom, chưa thể đổi mới phương tiện chuyên dùng 100% theo quy định. Lương thành viên và người lao động cũng không cao.
Bà Hoàng Thị Mến, Giám đốc HTX dịch vụ môi trường Tân Hương (Vĩnh Phúc) cho biết, với mức thu phí vệ sinh rác thải sinh hoạt được quy định chi tiết tại Quyết định 18 của UBND tỉnh, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với cá nhân là 2.000 đồng/người/tháng, tối đa 20.000 đồng/hộ/tháng. Mức này không đủ để HTX đầu tư, mua sắm thiết bị, dụng cụ lao động. Hiện, lương của các thành viên, người lao động phần lớn chỉ hơn 1.000.000 đồng/tháng. Trong khi đó, lao động làm việc trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đa phần xuất phát là người lao động nghèo, lao động nữ, làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Phí thấp, mỗi nơi quy định một giá lại khó thu khiến ít HTX vệ sinh môi trường có thể hoạt động theo hướng hiện đại. |
Theo các HTX, nguyên nhân của tình trạng khó tăng phí bảo vệ môi trường là do trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định UBND cấp tỉnh là đơn vị quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Quy định trên đã dẫn đến thực trạng là mỗi địa phương sẽ có một mức phí khác nhau. Do tỉnh, thành phố quy định mức phí nhưng UNND tỉnh, thành phố tại nhiều địa phương lại rất chậm trong việc điều chỉnh phí vệ sinh môi trường phù hợp với thực tiễn.
Cũng có trường hợp UBND tỉnh không thực hiện quy định giá dịch vụ môi trường mà phân cấp cho các huyện ban hành mức giá, dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ trên cùng một tỉnh.
Điển hình, mức phí thu hiện nay đối với mỗi người ở Hà Nội chỉ 6.000 đồng/tháng ở nội thành, 3.000 đồng/tháng ở ngoại thành là còn chung chung, vì nếu với các hộ gia đình thông thường thì có thể chấp nhận được, nhưng các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho thuê, mức thu này chỉ bù đắp được một phần chi phí cho các đơn vị làm dịch vụ. Thậm chí, nhiều gia đình cho thuê trọ có thu phí vệ sinh môi trường của người thuê nhưng không đóng cho đơn vị thu rác, mà chỉ nộp phí của gia đình chủ trọ.
Hay tại các vùng nông thôn và miền núi, mật độ dân số thấp và thưa, mức thu phí dưới 5.000 đồng thì không đủ cho các HTX tái đầu tư, chuẩn hóa phương tiện.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường cũng chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với những trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền phí vệ sinh môi trường, nên việc thu phí hiện nay chủ yếu là dựa vào ý thức của người dân.
Cần chế tài rõ ràng
Thực trạng hiện nay cho thấy, khối lượng chất thải ngày càng nhiều, chi phí nhân công ngày càng tăng, tiêu chuẩn đối với phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải ngày càng khắt khe nên việc điều chỉnh tăng phí đối với chủ nguồn thải là hợp lý.
Để làm được điều này, các HTX cho rằng, cơ quan quản lý cần tính toán, ban hành lại đơn giá, đảm bảo tính đúng, tính đủ các thành phần cấu thành giá như: nhân công, ca máy, khấu hao, bảo hộ lao động, bảo hiểm... cho các đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường.
“Ngành chức năng cần có lộ trình thực hiện giá dịch vụ môi trường; xem xét tính toán bổ sung kinh phí thực hiện công tác phân loại rác vào đơn giá vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, khi có các thay đổi, biến động lớn về giá nhiên liệu, vật tư..., các cơ quan quản lý cần có phương án kịp thời điều chỉnh giá tương tự như giá vật liệu trong công tác xây dựng cơ bản để các HTX trong lĩnh vực này có thể bảo đảm hoạt động”, bà Hoàng Thị Mến kiến nghị.
Còn theo các chuyên gia, mức phí vệ sinh môi trường cần thay đổi nhưng cần tính toán theo lượng chất thải trên từng đầu người hoặc từng gia đình, cơ sở kinh doanh dựa trên giá trần nhằm bảo đảm công bằng. Đồng thời, có chế tài rõ ràng đối với vấn đề không phân loại rác thải nguồn để giảm lượng rác không tái chế, tăng lượng rác tái chế, từ đó tạo ra nguồn đầu vào cho ngành tái chế, tăng nguồn thu cho các đơn vị thu gom, xử lý và tăng thu nhập cho người lao động.
Các địa phương cũng cần duy trì phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường tối thiểu 2% trong tổng chi ngân sách của tỉnh, thành phố nhằm tạo thuận lợi trong việc duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt và xây dựng mức phí phù hợp với người dân.
Ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc HTX Thành Công (Hà Nội) cho rằng, cần tính toán tăng mức phí dịch vụ vệ sinh phù hợp và cho phép “đơn vị thu gom vận chuyển được phép từ chối cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp không chấp hành theo các quy định như không phân loại rác, không để rác đúng nơi quy định thì có thể xử phạt theo quy định tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP".
Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng về các cá nhân, hộ gia đình, đơn vị chậm hoặc không nộp phí. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của công tác vệ sinh môi trường.
Tùng Lâm