Theo tính toán của PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, hằng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43,4 triệu tấn hữu cơ, 1,86 triệu tấn đạm urê, 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat.
Nguồn nguyên liệu tỷ đô
Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.
Trong khi đó, chi phí để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp hiện nay vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân, dẫn tới thực trạng mất đi lượng hữu cơ và dinh dưỡng cây trồng khổng lồ, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, còn đất trồng ngày càng bị thiếu hụt hữu cơ, thoái hoá trầm trọng.
Chất thải trồng trọt có thể tận dụng tái sử dụng, xử lý trở thành nguồn hữu cơ có giá trị . |
Một tồn tại rất lớn trong vấn đề tuần hoàn phụ phẩm nông nghiệp là mối liên hệ giữa trang trại/người trồng trọt và trang trại/người chăn nuôi rất lỏng lẻo, thậm chí không có mối liên hệ gì.
Hầu hết các trang trại chăn nuôi thì không trồng trọt, trang trại trồng trọt thì không có chăn nuôi. Vì thế, chất thải của chăn nuôi không được sử dụng cho trồng trọt, trở nên dư thừa, phải thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường.
Đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô, nghĩa là cứ sản xuất ra 1 tấn thóc thì lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương là 1 tấn, khoảng 10-12 tấn phụ phấm/ha, sản xuất 1 tấn ngô thì lượng phụ phẩm là 1,2 tấn thân ngô, sản xuất 1ha lạc phát thải 11 tấn thân cây lạc, 1ha sắn phát thải 7 tấn ngọn và lá sắn tươi.
Với diện tích trồng trọt hiện tại, kết quả ước tính lượng phụ phẩm từ trồng trọt vào khoảng 61,43 triệu tấn phụ phẩm (gồm 39,9 triệu tấn rơm rạ, 7,99 triệu tấn trấu, 4,45 triệu tấn bã mía, 1,2 triệu tấn thân lá mía, 4,43 triệu tấn thân lõi ngô).
Như vậy, có thể thấy rằng khả năng phát sinh phụ phẩm từ trồng trọt là rất lớn sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do quá trình phân hủy, sử dụng sai mục đích hoặc đốt đồng tràn lan khi vệ sinh đồng ruộng.
Trong thực tế cho thấy nguồn hữu cơ từ chất thải trồng trọt có thể tận dụng tái sử dụng, xử lý trở thành nguồn hữu cơ có giá trị vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cho nông dân nông thôn.
Cũng theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các phụ phẩm từ thủy sản có thể chế biến ra các sản phẩm với giá trị rất cao như: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra... thường ở các nhà máy hiện đại đầu tư công nghệ cao; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân..., hoặc làm phân bón hữu cơ.
Song, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 281 triệu USD năm 2021, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4 - 5 tỷ USD.
Lợi ích từ những thứ bỏ đi
Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu.
Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm.
Xử lý phụ phẩm từ cây chuối thành mùn hữu cơ để bón cho cây trồng. |
Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản… Xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình cho biết: “HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm chế biến hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này.
Trong năm 2022, HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình đã xuất được 5 chuyến hàng với khối lượng khoảng 15 tấn bẹ chuối sấy khô. Ngoài ra, còn một lượng lớn bẹ chuối sấy khô đang chờ xuất khẩu trong thời gian tới. HTX tạo được việc làm cho khoảng 60 lao động địa phương, trong đó khoảng 30 nhân công làm bẹ chuối.
“Tôi đọc nhiều và biết một số nông dân ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản đã sử dụng bẹ chuối thành sản phẩm có ích cho cộng đồng. Tôi trăn trở, mình sống ở “thủ phủ” chuối, nguyên liệu sẵn có, nhân công không thiếu thì tội gì lãng phí tài nguyên, việc làm của HTX vừa đem lại doanh thu ổn định, vừa góp phần bảo vệ môi trường”, ông Hùng nói.
Còn tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, HTX Nông Lâm Thủy Hải Sản Nam Việt được chính quyền địa phương đánh giá cao về giải pháp góp phần bảo vệ môi trường với việc xử lý phụ phẩm từ cây chuối thành mùn hữu cơ để bón cho cây trồng.
Không chỉ quan tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh, HTX còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trước đây, sau khi hoa màu, chuối được thu hoạch, sản phẩm thải như lá cây, thân chuối... sẽ được bà con chặt vứt khắp các kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Nay, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, HTX triển khai dự án ủ các sản phẩm thải trong trồng trọt để tạo mùn hữu cơ, mang bón trực tiếp cho những vụ canh tác sau, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học.
Anh Phạm Văn Quyên, Giám đốc HTX Nam Việt cho biết: Nếu không có công nghệ xử lý phụ phẩm từ cây chuối sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường và giảm tuổi thọ của cây chuối. Nếu lượng phụ phẩm này được chế biến phối hợp với chất thải từ chăn nuôi gà, lợn; các chất phụ gia cần thiết để tạo ra mùn hữu cơ chuyên dùng cho cây trồng thì rất tốt cho cây, đồng thời bảo vệ môi trường. Do đó, HTX đã học hỏi, tìm tòi ứng dụng chế phẩm vi sinh Compost maker sản xuất mùn hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.
Vòng đời của cây chuối thường kéo dài gần một năm. HTX đã và đang tiến hành thu gom, ủ mùn đối với 15ha chuối vào nhiều đợt khác nhau. Trung bình một lần thường ủ khoảng 150 tấn sản phẩm thải, kéo dài khoảng 6 tháng sẽ cho thành phẩm. Sản phẩm của dự án là mùn hữu cơ sinh học, mùn hữu cơ chuyên bón lót cho cây chuối và các loại cây trồng khác.
Có thể thấy, việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, HTX.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Phải xác định, phụ phẩm nông nghiệp không phải thứ bỏ đi, mà đầu ra của lĩnh vực sản xuất này sẽ là đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Hoàng Hằng