Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết, hiện dịch bệnh phức tạp nên có những lúc công suất sản xuất của HTX giảm 40-50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, sản phẩm chuối tươi cũng như nhiều loại trái cây khác không dễ tiêu thụ. Chính vì vậy, ngoài sản xuất chuối tươi để xuất khẩu, HTX vẫn duy trì hoạt động chế biến nhằm nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong khi sản phẩm tươi có thời gian bảo quản có hạn.
Chú trọng đầu tư
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắk (Đắk Lắk), cũng cho biết năm 2021 đã xảy ra tình trạng tồn đọng sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên HTX đã đầu tư nhà kho bóc tách để cấp đông loại trái cây này. Việc đầu tư kho cấp đông giúp người dân và HTX có thể tiêu thụ dần khi không xuất bán được.
Đặc biệt hiện nay, nhiều thị trường đang ưa chuộng sầu riêng Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài tiêu thụ nội địa, sầu riêng cấp đông, sấy hoặc tách múi của HTX còn có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc…
Có thể thấy, đầu tư cho chế biến nông sản đã nhận được sự quan tâm của không ít HTX. Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), các loại máy móc, công nghệ sơ chế, chế biến rau củ quả, đóng gói, cấp đông, xay nhuyễn… nhận được sự quan tâm lớn từ các HTX, doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Những máy móc, công nghệ này cũng phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam, giúp gia tăng giá trị cho nông sản và giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản tươi.
Sơ chế và chế biến nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng đầu ra. |
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nếu như năng lực sản xuất các loại rau củ quả hàng năm của Việt Nam là khoảng 28 triệu tấn, năng lực chế biến rau, củ quả vào năm 2019 của Việt Nam chỉ khoảng 10% và 90% xuất thô thì đến nay, năng lực chế biến đã được nâng lên là 32%.
“Đây là sự phát triển và cần tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường khó tính”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.
Hiện, mỗi địa phương đều có nhóm sản phẩm lợi thế nhưng hạn chế của các loại nông sản hiện nay chính là mùa vụ ngắn và chủ yếu xuất ra thị trường dưới dạng cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm… nên giá trị hàng hóa mang lại thực sự chưa cao như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ nông sản tươi bị ảnh hưởng, giá nhiều loại trái cây hiện đang có bán thấp hơn mọi năm. Trong khi việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ách tắc ở các cửa khẩu. Đi kèm với đó là giá đầu vào của phân bón, giống cây trồng, giống vật nuôi có xu hướng tăng.
Nhìn từ thực tế này có thể thấy, nếu các sản phẩm chủ yếu bán tươi lại gặp thị trường đầu ra bấp bênh, đặc biệt giá trị đầu vào cao như hiện nay thì nông dân, thành viên HTX sẽ bị thiệt thòi đầu tiên.
Còn theo các chuyên gia, nhu cầu thị trường không chỉ trong nước mà các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam ngoài ưu tiên các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản hữu cơ thì còn có các sản phẩm chế biến nhằm đáp ứng lối sống nhanh, giản tiện nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe. Chính vì vậy, các HTX đẩy mạnh sản xuất theo hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Thị trường rộng mở
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, chỉ tính riêng trái xoài, giai đoạn 2019-2021, tốc độ tăng trưởng sản phẩm sấy khô từ loại nông sản này đã tăng khoảng 180%/năm nhờ xu hướng tiêu dùng dòng sản phẩm ăn vặt healthy lên ngôi. Trong khi nước ta có nhiều tỉnh thành có thế mạnh về sản xuất xoài, đây là động lực giúp Việt Nam trở thành 1 trong những nước mới nổi về cung cấp xoài sấy cho các thị trường thế giới.
Đánh giá về những lạc quan của nông sản chế biến, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, việc tăng cường đầu tư cho chế biến và xuất khẩu các nông sản chế biến sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của sản phẩm tươi.
Cụ thể, để xuất khẩu nông sản tươi, HTX, doanh nghiệp phải qua các bước kiểm tra, kiểm dịch thực vật và đã có nhiều lô hàng bị vướng, không xuất khẩu được. Trong khi đó, hàng chế biến không cần qua khâu kiểm tra này và có ưu điểm hạn sử dụng dài. Chính vì vậy mà khi vấn đề logistics trên cả thế giới bị tắc nghẽn thì các loại nông sản chế biến sâu sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp hạn chế mối lo về chất lượng.
Không chỉ hạn chế thủ tục, mở rộng đầu ra, nông sản sau khi chế biến còn gia tăng giá trị gấp nhiều lần so với bán thô. Tại HTX nông nghiệp Trường Sơn (Lâm Đồng), nếu bán quả tươi cho thương lái với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg hoặc bán nhân thô 40 triệu đồng/tấn thì sẽ nắm chắc phần thua lỗ. Tuy nhiên, khi HTX mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sơ chế, chế biến sâu trị giá 800 triệu đồng, giá trị hạt cà phê đã nâng lên gấp 2-3 lần.
Tuy nhu cầu và giá trị của sản phẩm chế biến lớn nhưng khó khăn hiện nay của các HTX chính là vốn đầu tư cho một nhà máy chế biến là không hề nhỏ. Ông Lý Minh Hùng cho biết, hiện HTX có tổng diện tích 70ha trồng chuối. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân trong vùng.Trung bình mỗi ngày, HTX xuất đi hơn 20 tấn chuối, nhưng công suất kho lạnh để bảo quản chỉ được 5 tấn nên không “thấm tháp” vào đâu. Muốn đầu tư kho lạnh với diện tích lớn hơn, HTX cần có nguồn vốn hàng tỷ đồng nhưng dù đã làm việc với ngân hàng nhưng đây vẫn là bài toán khó.
Để giải quyết khó khăn trên, đại diện các HTX cho rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời những loại máy móc phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao nhưng giá thành phù hợp. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để có thể đầu tư cho chế biến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Nhà nước và các địa phương cũng cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp ngoài tỉnh liên kết với HTX đầu tư các nhà máy, dây chuyền công nghệ chế biến nông sản trên địa bàn; từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nâng cấp máy móc, công nghệ phục vụ hoạt động bảo quản, chế biến.
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Yên (Điện Biên) cho biết, trên toàn huyện có 4.100ha lúa chất lượng cao nhưng chỉ có HTX Thanh Yên và 1 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến với vùng nguyên liệu rất nhỏ (khoảng 300ha) còn lại là các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX khác nhưng sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ thấp.
“Nếu chỉ đơn giản là xây nhà kho truyền thống, không đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại, tiêu chuẩn. Chẳng may sản phẩm tồn kho thì chất lượng càng giảm, kéo theo giá trị, thương hiệu sản phẩm giảm theo. Chính vì vậy, cần có chính sách, cơ chế đồng bộ, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư vào địa bàn hoặc tạo điều kiện để HTX đầu tư cho chế biến”, ông Tới nói.
Huyền Trang