Những năm qua, HTX Trường Sơn không chỉ làm tốt vai trò cầu nối trong sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Là một xã thuần nông, Vĩnh Tú trước đây chỉ toàn đất cát khô cằn và cháy bỏng vào mùa nắng. Nhưng giờ đây, nơi đây được phủ thêm màu xanh từ vườn rau màu công nghệ cao (CNC) của HTX Trường Sơn.
Áp dụng công nghệ cao
Ông Lê văn Sơn - Giám đốc HTX, cho biết lúc đầu thực hiện sản xuất theo hướng CNC, tất cả các thành viên đều thấy mạo hiểm. Nhưng suy nghĩ phải làm gì đó mới một chút, bài bản một chút để đầu ra rộng mở chính là động lực để các thành viên quyết tâm làm việc.
Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh trồng rau xà lách, dưa lưới kết hợp với dưa hấu trên diện tích nhà kính 2.500 m2. Nhà kính được chia thành các nhà nhỏ. Nhà trồng trước, nhà trồng sau để bảo đảm đầu ra ổn định.
HTX cũng có khu gieo hạt riêng, rộng khoảng 600 m2, dùng để ươm cây nhằm bảo đảm cho từng khu vườn trồng. Toàn bộ nhà kính được HTX sử dụng hệ thống phun sương làm mát cho cây. Hệ thống tưới nước tự động cũng được kết hợp và hoạt động khoảng 30 - 60 phút/lần.
HTX ưu tiên sử dụng phân giun quế trộn cùng với sơ dừa để trồng rau và dưa. Quá trình chăm sóc cũng hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản. Dưa, rau của HTX đưa ra thị trường bảo đảm an toàn 100%.
Đối với rau, HTX trồng 25 - 30 ngày là thu hoạch, còn đối với dưa lưới là 65 ngày. Để bảo đảm chất lượng quả dưa lưới, HTX thực hiện ngắt đọt để cây tập trung nuôi quả, mỗi cây cũng chỉ để lại 1 quả. Ngoài ra, HTX còn phủ kín lớp bạt màu trắng lên các gốc dưa nhằm phản chiếu ánh sáng, giúp cây hấp thu tối đa ánh sáng tự nhiên.
Với kỹ thuật chăm sóc bài bản, khắc phục được các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, sản phẩm của HTX đã có đầu ra ổn định tại các cửa hàng, siêu thị. Trung bình mỗi năm, vườn rau và dưa của HTX cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.
Tham quan mô hình trồng dưa lưới của HTX |
Cải tạo môi trường
Với yêu cầu của đất canh tác cần thay đổi xen canh để nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng, HTX đã tiến hành trồng dưa lưới 3 vụ xen canh 1 vụ dưa hấu. Đây cũng là cách giúp nâng cao thu nhập cho mỗi thành viên.
Ngoài ra, hình thức xen canh, tăng vụ kết hợp với sử dụng nhà kính của HTX còn giảm thiểu được nguồn sâu bệnh do côn trùng từ bên ngoài xâm nhập, cải thiện môi trường đất khi sản xuất ở vụ tiếp theo.
Diện tích HTX Trường Sơn đang sản xuất trước đây thường bỏ hoang vì khô cằn, không có giá trị kinh tế. Với mục tiêu “xanh hóa” vùng đất cát thành mô hình sản xuất CNC, bảo đảm sinh thái điển hình của địa phương, công tác cải tạo đất được HTX quan tâm thực hiện vì đây là đất cát khô cằn nên việc trồng cây gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, HTX phải trồng nhiều loại cây khác nhau, sau đó chọn lọc dần rồi tập trung trồng rau và dưa như hiện nay.
Phát triển hiệu quả, vườn rau quả của HTX đã góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan nơi đây và mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các thành viên. Trên đất Vĩnh Linh, sản phẩm rau quả hữu cơ của HTX gần đây được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Không chỉ tiêu thụ theo kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh kênh bán hàng trên mạng xã hội, giao hàng tới tận nơi theo yêu cầu.
Bà Lê Thị Thúy Kiều - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, cho biết mô hình sản xuất của HTX Trường Sơn giúp người dân chủ động trong sản xuất và có thể canh tác trái vụ. Việc đầu tư nhà kính, sản xuất theo CNC còn hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, từ đó cho ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần tích cực bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế địa phương.
Như Yến