Nhờ đầu tư bài bản với những ao nuôi đạt tiêu chuẩn, sản lượng tôm HTX đạt 35 - 40 tấn/ha/vụ, mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ ha/năm.
Với kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình mới, các thành viên HTX Xuân Thành đã làm chủ được công nghệ, giảm chi phí đầu tư, khắc phục khó khăn do ô nhiễm nguồn nước để nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng cao.
Khai thác tiềm năng vùng đất cát
HTX đã mạnh dạn quy hoạch diện tích nuôi tôm của các thành viên thành những ao nuôi có diện tích lớn và thu hút DN tham gia triển khai nuôi tôm công nghệ cao trên cát.
Bằng việc che bạt, ủ ấm hồ tôm vào những ngày đông giá lạnh, HTX đã phát triển lên 3 vụ tôm mỗi năm và cho kết quả khá khả quan với năng suất 35 - 40 tấn/ha/vụ.
Từ 3 ha ao nuôi ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng thêm 9 ha, với 31 ao nuôi, 8 hồ ươm giống nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên đất cát. Mặc dù giá tôm có dao động, nhưng do nuôi được tôm có kích thước lớn, nên HTX vẫn có lãi cao.
Nhờ quán triệt vấn đề ATVSTP ngay từ khâu chọn giống, chăm sóc, cho đến thu hoạch, sản phẩm của HTX đủ điều kiện làm nguyên liệu chế biến cho các DN xuất khẩu.
Để chủ động sản xuất, HTX còn liên kết với các DN để cung cấp giống và thức ăn. HTX cũng đã hướng dẫn các hộ thành viên kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao để duy trì sự ổn định cũng như bảo vệ môi trường trong suốt quá trình sản xuất.
Ông Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX, cho biết: “Nuôi tôm công nghệ cao không chỉ mang lại hiệu quả cao mà thực sự bền vững khi người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật, bảo đảm được môi trường chăn nuôi để hạn chế rủi ro”.
Trong quá trình thiết kế ao nuôi, HTX đã chuẩn bị ao lắng để xử lý nguồn nước trước và sau khi thu hoạch; không xả trực tiếp nguồn nước thải ra khu vực ven biển, cạnh nguồn nước cấp. Theo HTX, nguyên nhân lây nhiễm bệnh trong nuôi tôm chủ yếu là từ nguồn nước. Nếu không xử lý tốt nguồn nước, nguy cơ ô nhiễm môi trường càng cao.
Hồ nuôi tôm công nghiệp của HTX trên những bãi cát trắng |
Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường
Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của HTX luôn bám sát ao nuôi, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật cao. HTX trực tiếp hướng dẫn cho thành viên, hộ liên kết các phương thức sản xuất an toàn, từ xử lý ao nuôi, gieo giống, đến chăm sóc, thu hoạch.
Mới đây, HTX cũng đã đầu tư sửa chữa lại hệ thống kênh cấp thoát nước; trải bạt mới và xử lý môi trường ao nuôi với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Nuôi tôm trên đất cát bằng bạt giúp việc xử lý đáy ao sau thu hoạch và trước khi thả giống của HTX dễ dàng, triệt để, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường nước do phân hủy các chất thải.
Có màng chống thấm nên nước không ngấm sâu vào lòng đất. Mô hình nuôi tôm của HTX đã góp phần làm giảm xói mòn ven biển, tăng thêm sự chắc chắn cho vùng đất ven bờ.
Hàng năm, rét đậm, rét hại kéo dài, giữa vụ nắng nóng lúc xuống giống, hay có đợt lại mưa lớn kéo dài làm ô nhiễm môi trường nước. Việc HTX dùng bạt đã giúp nước trong hồ nuôi không bị nóng hay lạnh đột ngột do thời tiết thay đổi thất thường.
Để góp phần mang lại hiệu quả cao trong nuôi thủy sản, HTX đã tích cực cùng địa phương thực hiện trồng rừng. Theo HTX, trồng rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là lá chắn giúp diện tích ao nuôi tôm của HTX không bị vùi lấp bởi các trận gió cát.
Thành công của HTX đã khích lệ những người có chí hướng cùng tham gia sản xuất, đánh thức vùng đất cát hoang hóa. Giờ đây, trên vùng đất Nghi Xuân, những bãi cát trắng được thay thế bằng những hồ nuôi tôm công nghiệp trù phú cho doanh thu vài tỷ đồng/năm.
Phát triển nuôi tôm trên cát của HTX Xuân Thành góp phần mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản của địa phương, khi biến những nhược điểm về điều kiện tự nhiên thành những ưu điểm và tiềm năng trong sản xuất.
Như Yến