Sản phẩm nông nghiệp của HTX Tuấn Tú được đánh giá cao về chất lượng, năng suất. Đặc biệt, HTX đã chú trọng lựa chọn măng tây là cây chủ đạo để phát triển sản xuất, vì loại cây này không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn có khả năng chịu hạn.
Sản xuất công nghệ cao
HTX Tuấn Tú được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2016, gồm 25 thành viên. HTX xác định nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tập trung làm dịch vụ sản xuất, đưa cây măng tây xanh phát triển nhanh, bền vững trên vùng đất cát.
Với diện tích 40 ha, măng tây của HTX đã được công ty Bejo (Hà Lan) bao tiêu đầu ra, hỗ trợ giống, kỹ thuật.
Trong khi ở vùng đất cát nắng gió này, hầu hết người dân phải bỏ sản xuất thì HTX mỗi năm vẫn mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đây là thành quả khi HTX không ngại đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để chinh phục vùng đất khô hạn và được mệnh danh là “chảo lửa” của cả nước.
Đến nay, toàn bộ diện tích nông nghiệp của HTX đã được lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước tự động thông qua điện thoại thông minh, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Ở bất cứ nơi nào, tôi đều có thể chủ động điều khiển hệ thống bơm tưới cho diện tích măng tây. Thu nhập trung bình từ 1 sào măng tây là 10 triệu đồng/tháng. Đây là loài cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất ở địa phương hiện nay”, ông Hùng Ky - Giám đốc HTX, cho biết.
Nhờ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, HTX không chỉ tiết kiệm được nước mà còn giảm được 70% công lao động, 50% phân bón, giảm tình trạng cát bay mà năng suất lại gấp đôi.
Ngoài lấy nước từ các hồ chứa lớn trên địa bàn để phục vụ sản xuất, HTX cũng tiến hành khoan giếng khai thác mạch nước ngầm. Với diện tích lớn, HTX đã khoan gần 100 giếng với độ sâu 12 - 17m. Đây là nguồn nước sạch, bảo đảm cho măng tây sinh trưởng và phát triển.
Giám đốc Hùng Ky bên ruộng măng tây của HTX |
Bảo vệ tài nguyên nước
Nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật công nghệ cao vào canh tác măng tây xanh đã giúp HTX không bị động về nước tưới trong mùa khô, chân đất dưới gốc cây măng luôn giữ độ ẩm tốt và cho năng suất cao. Cả một vùng đất cất khô hạn giờ đây đã được phủ một màu xanh tươi của măng tây.
Hiện nay, HTX tích cực tham gia cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện nạo vét các kênh mương để đưa nước vào những vùng khô hạn, cứu nhiều diện tích hoa màu của nông dân khỏi tình trạng hạn hán.
Là vùng khô hạn, thiếu nước tưới nên sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để có nước sản xuất, HTX đã phải khoan giếng lấy nước ngầm tại chỗ. Tuy nhiên nếu tính về lâu dài, đặc biệt là tình hình hạn hán liên tục kéo dài sẽ khiến nguồn nước ngầm dần cạn kiệt.
Thời gian trước, HTX khoan giếng ở độ sâu 6 - 7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền. Nhưng vài năm gần đây, phải khoan sâu tới 12 - 17m, thậm chí có nơi phải khoan 20m mới có nước.
Để nguồn tài nguyên nước ngầm không bị cạn kiệt để phục vụ sản xuất, HTX đã thành lập tổ công tác chống hạn, đầu tư máy bơm nước, đường ống… dẫn nước từ các hồ chứa trên địa bàn tưới cho cây trồng.
HTX cũng tổ chức thời gian biểu, thực hiện tưới luân phiên nghiêm ngặt để tiết kiệm nước. Theo Ban Giám đốc HTX, với diện tích sản xuất lớn, nếu bơm nước nhiều, mạch ngầm trong giếng rỉ ra không kịp, máy bơm sẽ hút luôn cả cát, làm nước đục ngàu, vì vậy, thực hiện bơm và tưới nước luân phiên để tiết kiệm nước tối đa và lâu dài là biện pháp mà HTX đang làm.
Với tinh thần đoàn kết, chủ động trong sản xuất, HTX đã biến hàng chục ha đất cát thường xuyên bị bỏ hoang vào mùa hạn thành cánh đồng măng tây xanh tốt, có giá trị và năng suất cao. Việc áp dụng công nghệ cao của HTX đã góp phần không nhỏ giúp công tác chống hạn trên địa bàn phát huy hiệu quả tích cực và góp phần bảo vệ tài nguyên nước.
Như Yến