Thượng Lộc vốn là xã thuần nông, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm cái ăn trên vùng đất hoang sơ, cằn cỗi.
Kể từ khi cây cam “bén duyên” vùng đất Trà Sơn Can Lộc, người dân bắt đầu khai hoang, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, thương hiệu cam Thượng Lộc mới thực sự trở thành cây ăn quả đặc sản nức tiếng bốn phương.
Tốt nghiệp đại học về trồng cam
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, chị Nguyễn Thanh Trâm không ở lại thành phố tìm việc như bao thanh niên khác mà quay về quê hương để lập nghiệp
Trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây, tại vùng Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) quê chị đã rộ lên phong trào phá bỏ vườn tạp trồng các giống cây ăn quả. Trong đó, cam chanh Thượng Lộc là sản phẩm có hiệu quả hơn cả vì cam có vị ngọt đậm xen lẫn chua nhẹ, được đánh giá không thua kém gì các loại cam nổi tiếng khác trong tỉnh như cam bù Hương Sơn, cam chanh Khe Mây (Hương Khê), Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên)…
Do đó, chị Trâm bắt đầu khởi nghiệp bằng việc thành lập HTX Trà Sơn chuyên sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả.
Với tính cần cù, ham học hỏi, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, chị Trâm đã chuyển đổi thành công từ mô hình trồng cam truyền thống sang mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Trâm cho biết: “Trồng cam bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải. Trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi hỏi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch”.
Từ đây, các sản phẩm từ cây ăn quả tại trang trại được đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Với cách chăm bón khoa học, đúng tiêu chuẩn, vườn cam của các hộ trong HTX đang phát triển tốt, sản lượng tăng, sản phẩm chất lượng cao.
Với chất lượng bảo đảm, sản phẩm của HTX được các thương lái gần, xa đến tận vườn thu mua, được người tiêu dùng ưa thích. Từ đó, tăng doanh thu cho các thành viên HTX.
Nhờ quả cam, nhiều gia đình của HTX không những đã thoát nghèo mà còn có của ăn, của để. Tiêu biểu như vườn anh Nguyễn Sỹ Túc (xã Thường Nga) với 3 ha, doanh thu gần 350 triệu đồng/năm; vườn anh Trương Công Tự (xã Phú Lộc), doanh thu hơn 250 triệu/năm…
Tháng 1/2017, sản phẩm cam của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Thượng Lộc”. Đó là “đòn bẩy” để HTX tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, nâng tầm thương hiệu với khách hàng.
Nhờ quả cam, nhiều hộ gia đình của HTX đã thoát nghèo |
“Vé thông hành” để vươn xa
Từ đây, sản phẩm cam Thượng Lộc dần dần có chỗ đứng trên thị trường. Nhưng để duy trì và bảo vệ thương hiệu còn non trẻ vươn xa trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều vùng trồng cam có tiếng, cần phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy, từ 108 hộ tham gia sản xuất, HTX đã tuyển chọn và cân nhắc các điều kiện cơ bản như diện tích, chất lượng cam… để giảm xuống còn 81 thành viên chia thành 4 tổ hợp tác, với gần 250 ha cam tại các xã như Phú Lộc, Thượng Lộc, Gia Hanh…
HTX còn phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức xây dựng và dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cam của thành viên để tăng cường tính minh bạch của sản phẩm.
Hướng đi này không những tăng thêm niềm tin cho khách hàng mà còn giúp nhiều hộ sản xuất yên tâm phát triển, quảng bá chất lượng cam ngon nổi tiếng của vùng Trà Sơn.
Chị Trâm cho biết, HTX đang hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới sản xuất, bảo tồn phát triển giống cam Thượng Lộc và dự định sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tháng 5 năm nay.
Đây hứa hẹn sẽ là một bước đi mới của HTX để chủ động về nguồn cây giống, mang thương hiệu cam Thượng Lộc vươn xa hơn nữa trên thị trường.
Chị Trâm cũng cho biết HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, bên cạnh đó áp dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả, góp phần cung cấp sản phẩm cam Thượng Lộc rộng hơn và tiến xa hơn nữa.
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, chị Trâm luôn hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình trong HTX và nông dân nghèo vượt khó đi lên. Hiện, HTX trồng cam của chị đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chị còn giúp đỡ về giống cho nhiều hộ gia đình, phổ biến khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho người dân địa phương.
Không những thế, gia đình chị luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động; tích cực tham gia và vận động các hộ hội viên khác tại địa phương cùng chung tay xây dựng và gìn giữ thương hiệu cam Thượng Lộc.
Hồng Nhung