Theo ông Bùi Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hà, cây cam giấy có mặt ở địa phương khoảng trước năm 1975. Tuy nhiên, trước đây cam giấy chủ yếu được trồng theo quy mô hộ gia đình và chưa được đầu tư phát triển.
Hiệu quả kinh tế
Năm 2010, từ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, địa phương bắt đầu nghiên cứu và trồng thí điểm 20 vườn cam giấy ở tổ 9 thôn Tiên Tráng. Tại đây, cây cam phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Năm 2017, xã Tiên Hà quyết định nhân rộng mô hình ra toàn thôn Tiên Tráng với 75 hộ tham gia, số tiền hỗ trợ 160 triệu đồng.
Trồng thí điểm từ năm 2010, ông Nguyễn Quang Tiến (67 tuổi, thôn Tiên Tráng) cho biết: “Được chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ 150 gốc cam giấy, tôi cải tạo, chỉnh trang vườn tạp để trồng theo mật độ 20 cây/sào. Đến nay, hơn 7 sào cam của tôi đang phát triển tốt; trước đó đã cho thu hoạch đối với những cây sau 3 năm trồng thí điểm”.
Ông Phan Văn Tâm (54 tuổi, cùng thôn) cho biết: “Giống cam giấy ở Tiên Hà rất dễ trồng, kết hợp với điều kiện thời tiết, đất đai màu mỡ nên cho năng suất cao. Riêng 5 sào vườn nhà tôi đã cho thu hoạch 3 - 4 tấn, với thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, hiệu quả hơn rất nhiều lần so với nghề trồng keo hoặc làm rừng”.
Theo thống kê của Ban Nông nghiệp xã Tiên Hà, thôn Tiên Tráng có 15 ha trồng cam giấy với khoảng 8.000 gốc. Cam giấy ra hoa vào đầu tháng 3, đến khoảng đầu tháng 8 bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình 1 sào có thể thu hoạch tầm 1 tấn cam, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Việc trồng cam góp phần giúp người dân cải thiện đời sống và giảm nghèo hiệu quả.
Ông Bùi Văn Thuấn cho biết địa phương đang trồng cam giấy theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện về việc phát triển liên thửa, liên vùng và liên kết vùng.
Xã Tiên Hà đang nhân rộng mô hình trồng cam giấy thành vùng chuyên canh |
Liên kết sản xuất
Cụ thể, xã khuyến khích những hộ dân có vườn trồng cam gần nhau, phá bờ, tường rào để tạo thành vùng liên kết. Trong 3 năm qua, mô hình này đang được thực hiện tại thôn Tiên Tráng và được người dân nhiệt tình tham gia.
Khi hoàn thiện vùng trồng cam giấy mẫu ở Tiên Tráng, năm 2018 xã tiếp tục mở rộng đầu tư trồng ở 3 thôn Phú Vinh, Tài Thành và Đại Tráng. Định hướng đến 2020, mô hình này sẽ phát triển trên quy mô toàn xã với tổng diện tích trồng khoảng 40 ha. “Bên cạnh mở rộng, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích người dân liên thửa tạo thành vùng chuyên canh để duy trì cho sự phát triển bền vững”, ông Thuấn nói.
Nhằm ổn định đầu ra và tạo thương hiệu cam giấy Tiên Hà, chính quyền xã đã hợp đồng với HTX Nông nghiệp Phước Hà thực hiện chuỗi liên kết giá trị. Ông Đoàn Thanh Lân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hà, cho biết HTX đang đảm nhận việc hỗ trợ cây giống cho nông dân xã Tiên Hà.
Để cung cấp đúng cây giống đầu dòng đạt chất lượng cao, HTX đã áp dụng phương pháp ghép, chiết cành ở những vườn trồng cam lâu năm tại các mô hình vườn mẫu. Trong giai đoạn trồng, HTX sẽ tư vấn, tập huấn kỹ thuật để người dân chăm sóc cam hiệu quả. Cuối cùng, khi thu hoạch, HTX sẽ chịu trách nhiệm về đầu ra cho sản phẩm.
“Hiện HTX đang phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ trình lên Sở Khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu cho sản phẩm cam giấy Tiên Hà”, ông Lân cho biết thêm.
H.Thanh