HTX đang phát triển giống cam xoàn theo chuẩn VietGAP |
Do các vườn cam được trồng tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên suốt một thời gian dài, cam xoàn nơi đây vẫn yếu thế trước các giống cam chuyên canh tại những vùng khác. Thấy được điều đó, THT sản xuất cam xoàn Thới An ra đời nhằm liên kết các hộ dân sản xuất cũng như dần phát triển chuỗi giá trị cam xoàn tại địa phương.
Thay đổi nhận thức sản xuất
Để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh, THT đã đồng thuận đăng ký thực hiện sản xuất theo chuẩn an toàn VietGAP.
Để bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng được an toàn, các tiêu chí về chăm sóc, cách ly luôn được THT đảm bảo đạt các tiêu chuẩn VietGAP trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Nhưng để được cấp giấy chứng nhận cần có sự xác nhận của các chuyên gia thông qua việc kiểm tra quá trình thực hành sản xuất, kiểm tra vùng sản xuất gồm: đất, nước và cả xét nghiệm sản phẩm trong phòng thí nghiệm...
Để đi đến việc đánh giá chứng nhận được hiệu quả, các tổ viên trong THT phải trải qua quá trình tham gia đào tạo, tập huấn, thực hành sản xuất và thu hoạch sản phẩm theo quy trình nghiêm ngặt.
Quá trình trồng và ghi chép theo tiêu chuẩn VietGAP đã bổ sung rất nhiều kiến thức bổ ích cho các tổ viên thông qua các buổi đào tạo và thực hành. Các tổ viên hiểu được vai trò của việc ghi chép nhật ký nhằm cung cấp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các tổ viên cũng đã chú trọng việc bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách sử dụng đầy đủ các đồ bảo hộ lao động mỗi khi tiếp xúc thuốc BVTV. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường còn thông qua việc xây dựng nhà kho chứa thuốc BVTV riêng, thu gom vỏ thuốc BVTV theo đúng quy định, tránh gây ô nhiễm đất, nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người…
Hiện nay, vườn cam của các tổ viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt chứng nhận thông qua quá trình kiểm tra của các cán bộ kỹ thuật. Cam xoàn của THT bảo đảm các tiêu chí về sản xuất an toàn và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tiết giảm chi phí
Khi vào THT, các tổ viên không chỉ được ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam xoàn mà còn học hỏi được kinh nghiệm xử lý cho trái ra đúng thời vụ, đúng mong muốn và nhất là cách chăm sóc trái đạt chất lượng và năng suất cao. Nhờ đó, vườn cam của các tổ viên đều được đánh giá cao về chất lượng để đáp ứng các hợp đồng lớn.
Trong quá trình sản xuất cam xoàn, thời tiết ngày càng bất lợi do có những biến đổi thất thường làm việc sản xuất của bà con càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tiết giảm chi phí là vấn đề được THT đặc biệt quan tâm.
Các tổ viên của THT sản xuất cam xoàn Thới An đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun để tiết kiệm chi phí đồng thời tăng năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, tổ viên THT, cho biết năm 2016, ông đã đầu tư hệ thống tưới phun cho 7 công cam với chi phí 56 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%. Nếu như trước đây, mỗi lần tưới, tiền thuê nhân công và xăng dầu tốn khoảng 350.000 đồng, thì nay, với hệ thống tưới phun, mỗi lần tưới chỉ tốn 10.000 đồng.
Đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tuy cao nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ. Chỉ trong vòng 2-3 năm, các tổ viên có thể hoàn vốn cho công đoạn này.
Hệ thống tưới tiết kiệm còn giúp phòng ngừa mặn xâm nhập, bởi được thiết kế hệ thống tích nước trong mương hoặc hồ chứa. Nếu nước sông bị nhiễm mặn, hệ thống sẽ sử dụng nguồn nước dự phòng để tưới.
"Tưới phun tự động, nước sẽ thấm dần, thấm sâu hơn tưới tràn. Tưới tràn phân sẽ bị dồn đống hoặc văng xuống mương gây tổn thất chi phí lại làm ô nhiễm môi trường", ông Bình cho biết.
Nhờ hoạt động hiệu quả, mô hình sản xuất của THT được các ban ngành đánh giá cao. Hiện, HTX đang xin giấy phép để chuyển từ THT lên HTX nhằm thuận lợi cho quá trình đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường.
Như Yến