Tình trạng bỏ ruộng canh tác ở các địa phương khác xảy ra tương đối phổ biến, nhất là vào vụ Đông - Xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 1 dương lịch hàng năm), nhưng với HTX Tiên Thắng lại hoàn toàn ngược lại. Hầu hết thành viên của HTX (1.740 thành viên) đều tận dụng tối đa những diện tích khu đồng cao để sản xuất cây vụ Đông, tăng thu nhập cho gia đình.
Quy vùng sản xuất cây vụ Đông
Hiện nay, thành viên của HTX đang trồng 125 sào dưa bao tử chuẩn bị cho thu hoạch. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu 100% sản phẩm cho thành viên.
Dưa bao tử sau 1 tháng trồng và chăm sóc bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Trung bình 1 sào cho năng suất 8 - 9 tạ. Với giá thu mua hiện nay là 10.000 đồng/kg dưa loại 1 và 4.500 đồng/kg dưa loại 2, doanh thu từ 1 sào dưa bao tử sau khi trừ chi phí cho lãi 6 - 7 triệu đồng, cao hơn trồng lúa 4 - 5 lần.
Bên cạnh vùng trồng dưa, HTX còn quy hoạch vùng trồng cây hành, tỏi với hơn 20 ha. Thời gian trồng từ cuối tháng 9. Hành tỏi có thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày là được thu hoạch. Mỗi sào bình quân cũng cho thu hoạch 5 - 6 tạ hành, tỏi củ với giá bán 10.000 - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, 1 sào cho lãi khoảng 6 triệu đồng.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Văn Với - Giám đốc HTX Tiên Thắng, cho biết: “Chúng tôi coi vụ Đông - Xuân là một trong ba vụ chính trong năm. Hiện, cây hành, tỏi đang được xem là cây trồng chủ lực của địa phương”. Nhiều gia đình nhờ vào loại cây này đã cải thiện được thu nhập. Nông dân có tiền đầu tư nông cụ hiện đại, các gia đình tự sắm máy cày nhỏ, máy làm đất riêng, chủ động trong việc canh tác trồng trọt của gia đình mình. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.
Nhiều hộ thành viên HTX vươn lên thoát nghèo, ngay trên đồng đất quê hương |
Quy vùng cấy lúa thương phẩm
HTX Tiên Thắng được chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ tháng 8/2016. Sau chuyển đổi, Ban lãnh đạo HTX bắt tay ngay vào công cuộc phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh những dịch vụ truyền thống liên quan đến sản xuất nông nghiệp như cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ tưới tiêu, bảo vệ đồng ruộng… HTX còn có những dịch vụ mới là mạ khay cấy máy. HTX khuyến khích thành viên cấy lúa thương phẩm và HTX đứng ra bao tiêu 100% sản phẩm.
HTX quy vùng sản xuất lúa thương phẩm, vụ chiêm cấy hơn 30 ha, vụ mùa cấy hơn 20 ha lúa nếp thương phẩm. “HTX ký kết hợp đồng với công ty Nhiệt đới Hưng Yên đứng ra thu mua toàn bộ thóc cho thành viên. Đặc biệt là thu mua thóc tươi tại đầu bờ, người dân không mất thời gian phơi thóc, giá thành lại ổn định thậm chí cao hơn giá thị trường”, Giám đốc Phạm Văn Với cho biết.
Lúa thương phẩm cấy theo phương pháp “mạ khay, cấy máy” giúp tiết kiệm thóc giống, sức lao động và thời gian. Từ khâu gieo mạ đến cấy xong, HTX thu 200.000 đồng/sào. Việc quy vùng sản xuất lúa thương phẩm và áp dụng cơ giới hóa góp phần tăng năng suất cây trồng, thuận tiện cho suốt quá trình chăm sóc lúa.
Ông Phạm Văn Hót - Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng, đánh giá: “Từ sau chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX Tiên Thắng đã phát huy những thế mạnh, mở rộng thêm nhiều khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng hành cùng nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. HTX có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.
Thanh Vân