Cần vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ sinh hoạt hay đi xuất khẩu lao động, cho con đi học… người dân ở hai xã Đại Lịch, Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) luôn tìm đến Quỹ TDND xã Chấn Thịnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (thôn Chùa 1, Chấn Thịnh) cho biết từ khi có Quỹ, gia đình bà đã vay trên 100 triệu đồng để kinh doanh đồ nội thất, chăn ga gối đệm. Những năm gần đây, gia đình nhờ người thân vay thêm để kinh doanh vận tải.
Góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn
Đến nay, dư nợ tại Quỹ trên 1 tỷ đồng. Hàng tháng bà trả lãi đúng kỳ hạn. Nhờ được vay vốn mà gia đình bà có điều kiện mở rộng kinh doanh và kinh doanh có lãi. Hàng tháng, trừ chi phí gia đình bà còn có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Hay như hộ ông Nguyễn Đức Toản (thôn Cao 2) vay 170 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng cam. “Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả trong xã rất phát triển. Nhiều gia đình trồng cây ăn quả đã thoát nghèo. Năm 2017, gia đình tôi còn ít đất đồi để không nên đã vay vốn của Quỹ về cải tạo, san gạt và mua thêm cây giống về trồng”, ông Toản cho biết.
Không chỉ gia đình bà Hằng, ông Toản mà những năm qua đã có hàng nghìn lượt người vay vốn của Quỹ để đầu tư sản xuất, kinh doanh và thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh, cho biết những năm qua, Quỹ TDND Chấn Thịnh có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
“Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2 - 3%, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”, ông Kiệt nói.
Với mục tiêu “Kinh doanh an toàn, đầu tư đồng vốn hiệu quả”, Quỹ luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động phù hợp nhằm thực hiện tốt các giải pháp về tín dụng. Ngoài vốn điều lệ do thành viên đóng góp, vốn huy động tại chỗ là nguồn chủ yếu để Quỹ hoạt động.
Quỹ TDND Chấn Thịnh khánh thành trụ sở mới |
Khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi
Ông Lại Anh Tâm - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Chấn Thịnh, cho biết: “Để bảo đảm nguồn vốn hoạt động, Quỹ đã tập trung khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, áp dụng bằng nhiều hình thức gửi tiền đa dạng, phong phú, hấp dẫn; đồng thời, có chính sách ưu đãi về lãi suất. Trong hoạt động tín dụng, Quỹ luôn phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể, xây dựng được hệ thống chân rết đến tận thôn, xóm (trưởng thôn, bí thư chi bộ)... Do đó, đồng vốn không chỉ đến đúng địa chỉ, đúng thời điểm mà còn phát huy hiệu quả”.
Hiện nay, số dư tiền gửi tại Quỹ lên đến trên 47,2 tỷ đồng. Trong đó, huy động tiền gửi của thành viên là trên 29,2 tỷ đồng, tiền gửi ngoài thành viên là gần 18 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, Quỹ đã giải quyết cho gần 3.600 lượt thành viên vay vốn với doanh số cho vay trên 180,2 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến hết năm 2017 trên 44 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của Quỹ năm 2017 đã hỗ trợ thành viên xây dựng và nâng cấp 62 nhà kiên cố, 6 hộ mua xe vận tải, 3 máy xúc, 41 xe máy, trồng mới và chăm sóc 90 ha rừng, mua 170 con trâu, bò và hơn 7.000 con lợn giống.
Nhờ đồng vốn vay của Quỹ, nhiều hộ thành viên đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên đã hoàn trả gốc và lãi tiền vay đúng hạn. Điển hình như hộ ông Trần Mạnh Hùng (thôn Chùa 1) vay tiền mua máy xúc; ông Hoàng Thanh Hải (thôn Chùa 1) vay mua ôtô khách; ông Nguyễn Văn Dược (thôn Dày 2) vay trồng cau...
Những năm qua, Quỹ TDND Chấn Thịnh luôn được đánh giá cao về năng lực điều hành, năng lực tài chính... và thật sự là điểm tựa giúp cho người dân trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hồng Duyên