Ngày 20/8, tại Tp.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Liên Hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Mở rộng “sản phẩm quốc gia”
Cây Sâm Ngọc Linh là một trong những lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia, là loại lâm sản ngoài gỗ, nguồn tài nguyên tái sinh vô cùng quý giá của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và của cả nước nói chung.
Trước đó, ngày 12/9/2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết hiện Nam Trà My có khoảng 1.200 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó có 95% là của người dân trồng, cho doanh thu khi thu hoạch khoảng 70 - 75 tỷ đồng/ha. Tốc độ phát triển trồng sâm Ngọc Linh trong nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục được tăng lên và đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Đến nay, nhận thức của người dân được thay đổi rõ rệt. Họ đã biết giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Thậm chí, có hộ vay đến hàng tỷ đồng để đầu tư trồng sâm. Hiện cũng có 6 DN, 1 tập đoàn đăng ký trồng sâm với tổng diện tích đăng ký gần 300ha.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng. Số hộ trồng sâm còn ít, các DN cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý”.
Ông Bửu đề nghị cần có một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống chuẩn có chất lượng, kiểm định chất lượng giống để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời, phải nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh ra toàn quốc: “Đừng nghĩ sâm Ngọc Linh chỉ trồng ở núi Ngọc Linh. Việt Nam có nhiều địa phương miền núi, diện tích rừng lớn phù hợp trồng loại cây này”, ông Bửu nói.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam, cho biết Quảng Nam đã đưa sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My sang huyện Tây Giang và huyện Phước Sơn trồng cho kết quả tốt. “Cơ quan chức năng đánh giá dược chất sâm tại những địa điểm này có hàm lượng tương đương trồng tại đỉnh núi Ngọc Linh”, ông Tích nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn |
Kết hợp chuỗi giá trị
Theo báo cáo của WB và các ý kiến tại diễn đàn, để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới.
Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và Sâm Ngọc Linh là một điển hình để phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH khu vực này.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định: “Nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các DN, những thách thức trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao”.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH. Đặc biệt, mô hình tạo ra chuỗi giá trị phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cây sâm Ngọc Linh đã có những thành công rất ấn tượng có thể di thực, thí điểm, nhân rộng ra ở những địa phương có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu, độ che phủ của rừng…
Phó Thủ tướng lưu ý, ở Việt Nam còn nhiều cây dược liệu quý, đặc hữu khác, giá trị cao ở cả đồng bằng và miền núi trên nhiều độ cao và khí hậu khác nhau. Nếu được định hướng nghiên cứu đầu tư đúng mức và áp dụng mô hình phát triển như sâm Ngọc Linh, sẽ tạo ra chuỗi giá trị góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển khá giả, làm giàu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nếu có thể, hãy nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập. Tôi cũng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các DN vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý hiện nay chúng ta còn nhiều loại dược liệu quý khác để kêu gọi sự hợp tác để phát triển mạnh mẽ, sống động các loại dược liệu quý này, từng bước làm giàu vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hồng Nhung