Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu; hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi với HTX, tổ hợp tác…
“Vị ngọt” của tiêu hữu cơ
Thành lập vào tháng 8/2017, HTX nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa) có 15 thành viên tham gia. Ngay khi bắt đầu hoạt động, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tấn Công đã quyết tâm đưa HTX đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để sản phẩm có thể xuất khẩu.
Sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường một cách sòng phẳng (Ảnh: Int) |
Theo đó, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, anh Công đã chủ động thay đổi quy trình chăm sóc; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân vô cơ, nhất là thuốc diệt cỏ… cho các vườn hồ tiêu.
Anh Công cùng ban lãnh đạo HTX kiên nhẫn, bền bỉ xây dựng cho sản phẩm hồ tiêu thương hiệu Lệ Chí chứng nhận sản phẩm tiêu hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mở ra cơ hội lớn cho hồ tiêu Lệ Chí.
Để sản xuất đạt hiệu quả, ngay sau khi thành lập HTX, các thành viên đã tích cực đi tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản chất lượng cao tại các tỉnh, tham gia các hội nghị, hội thảo, gặp gỡ các chuyên gia trong và ngoài nước về nông nghiệp hữu cơ… Qua đó, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để triển khai vào sản xuất của HTX.
HTX cũng đã mạnh dạn tiếp cận những doanh nghiệp thu mua nông sản sạch chất lượng cao, nông sản hữu cơ như các Công ty Nedspice, Gia vị Sơn Hà, Hồ tiêu Việt… nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định với giá tốt.
Sau một thời gian học hỏi, triển khai áp dụng, đến niên vụ 2017- 2018, HTX Nam Yang đã có một vườn tiêu 1,5ha được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU. Toàn bộ sản lượng gần 7 tấn của vườn tiêu được Công ty TNHH Hồ tiêu Việt bao tiêu với giá 120.000 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường tới gần 2 lần.
Với thành công ban đầu đó, HTX tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng quy mô sản xuất tiêu hữu cơ. Trong niên vụ 2018- 2019, HTX đã có gần 16ha tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU, với sản lượng gần 60 tấn. Trong đó 4,6ha được Công ty TNHH Hồ tiêu Việt liên kết bao tiêu với giá 85.000 đồng/kg; 4,8ha liên kết bao tiêu với Công ty Gia vị Sơn Hà, giá 82.000 đồng/kg.
Đồng thời, nhiều thành viên của HTX Nam Yang cũng bắt đầu đi theo hướng tăng dần các diện tích đất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, HTX thu hút 110 thành viên tham gia, trong đó có đến 80 thành viên là đồng bào dân tộc Ba Na, J’rai sản xuất khoảng 80ha hồ tiêu và 120ha cà phê.
Sau thời gian nỗ lực sản xuất sạch, HTX có 9 sản phẩm được UBND tỉnh Gia Lai công nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 4 sao. Tiêu biểu như: Tiêu Lệ Chí (tiêu sọ hữu cơ, tiêu đỏ hữu cơ, tiêu đen hữu cơ, tiêu muối hữu cơ một nắng…), cà phê Đắk Yang, măng le Lệ Chí và khoai mật Lệ Chí…
Ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết, đây là mô hình điển hình để các HTX khác học tập, đồng thời kỳ vọng HTX Nam Yang cần phấn đấu để trở thành “đầu tàu” thu hút bà con, các HTX có cùng các mặt hàng, thị trường như mình liên kết lại, tạo ra vùng nguyên liệu lớn, tổ chức quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường một cách sòng phẳng.
Lợi ích kép từ chuỗi liên kết
Tại buổi khảo sát vùng nguyên liệu cà phê tại Gia Lai mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị địa phương cần xây dựng đề án vùng nguyên liệu bền vững đạt chuẩn. Đồng thời, xây dựng và phát triển mô hình tổ khuyến nông cơ sở - có trách nhiệm truyền thông và phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường cho nông dân. Các HTX cần phát triển, củng cố, thu hút nhiều thành viên tham gia và liên kết với doanh nghiệp nâng cao chất lượng cà phê. Để xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đối với sản phẩm cà phê ở Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư một phần về đường sá, nhà kho, sân phơi, silo chứa cà phê. Vùng nguyên liệu sẽ thúc đẩy việc liên kết chuỗi cà phề bền vững từ đó tạo sự lan tỏa và nhân rộng mô hình.
Chú trọng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường để xây dựng nông nghiệp trên nền tảng sẵn có gắn với thương hiệu “Gia Lai xanh” (Ảnh: TL) |
Sau hơn 4 năm tham gia HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai), anh Vũ Văn Hanh (làng Út 1) không lo bị thương lái ép giá khi đến vụ thu hoạch. Với gần 2ha cà phê, gia đình anh thu được hơn 8 tấn nhân xô/năm. Theo anh Hanh, HTX đứng ra liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Chưa hết, vì sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C nên ngoài việc bán được giá cao, anh còn được doanh nghiệp cộng thưởng 1.000 đồng/kg.
“Không chỉ tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây đạt năng suất, hiệu quả cao, chúng tôi còn được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, vườn cây phát triển ổn định hơn, năng suất theo đó cũng tăng lên”, anh Hanh phấn khởi cho biết.
Đến nay, HTX Tâm Thành đã đưa 332ha cà phê của 160 thành viên vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời liên kết với Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai tiêu thụ mỗi năm bình quân 700-800 tấn cà phê nhân xô. HTX vừa ký hợp đồng với doanh nghiệp này xây dựng vùng nguyên liệu 350ha cà phê chất lượng cao theo “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước giai đoạn 2021-2025” của Bộ NN&PTNT.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai cho biết, giai đoạn 2016-2020, huyện đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Việc thành lập các HTX gắn với mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp bước đầu đã đáp ứng được đầu ra của nông sản, giúp nông dân không bị thương lái ép giá.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tỉnh có 13 chuỗi liên kết về lĩnh vực trồng trọt như: cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau, dược liệu… với diện tích 134.281ha. Cụ thể, chuỗi cà phê liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 9 HTX tham gia với diện tích 25.964ha, khoảng 7.000 hộ nông dân trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Công ty TNHH MTV xuất khẩu rau quả DOVECO có khoảng 2.090 ha (chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương, chuối tiêu hồng, rau chân vịt) liên kết với 5 HTX, 71 tổ hợp tác, hơn 1.075 hộ dân tham gia. Tập đoàn Lộc Trời liên kết với 8 HTX, 2 tổ hợp tác và 1 công ty lâm nghiệp với diện tích hơn 1.242ha trên địa bàn 7 huyện…
Trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng, các địa phương cần tích cực chỉ đạo Phòng NN&PTNT, đặc biệt là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể đối với các HTX liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, coi đây là sợi dây kết nối quan trọng, là đột phá trong việc phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Gia Lai đã có những định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp. Với nguồn lực đất đai dồi dào cũng như điều kiện giao thông thuận lợi, Gia Lai cần trở thành trung tâm nông sản của khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh nên tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải cẩn trọng với những tác động của môi trường. Những doanh nghiệp lớn cần đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, những sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài thì vấn đề được người tiêu dùng quan tâm không chỉ là chất lượng mà còn liên quan đến những tác động môi trường. Từ những vấn đề đó, Gia Lai cần xây dựng nông nghiệp trên nền tảng sẵn có gắn với thương hiệu “Gia Lai xanh”.
Đức Nguyễn