Đáng chú ý, trong năm 2021 này, ngay giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nhưng chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi của HTX bưởi Thành Công liên kết với Công ty cổ phẩn Vinagreenco vẫn đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm bình thường cả về sản lượng và giá cả.
Sản phẩm sạch mới hút được doanh nghiệp
Giám đốc Lê Văn Phải thông tin, ngay trong những ngày dịch bệnh phức tạp, HTX và vùng phụ cận vẫn cung ứng cho Vinagreenco trung bình khoảng 6-7 tấn bưởi/ngày với giá tại vườn là 19-20 nghìn đồng/kg bưởi có trọng lượng từ 1kg/trái trở lên - không thay đổi so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa lan rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao, chất lượng tốt, đầu ra ổn định (Ảnh TL) |
Trong suốt quá trình từ thu hoạch, phân loại, sơ chế tại kho đến khâu vận chuyển đi tiêu thụ ngoài tỉnh, HTX và Công ty Vinagreenco vẫn tổ chức hợp lý, vừa đảm bảo phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế lại vừa đảm bảo hàng hoá vận chuyển không bị gián đoạn và ách tắc.
Hiện nay, bưởi của HTX Thành Công được Vinagreenco bao tiêu sản phẩm hơn 100 tấn/tháng để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trong cả nước. Nhờ giá cả ổn định, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trên 1 ha trồng bưởi của các thành viên HTX đạt trung bình trên 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên ở địa phương.
Có được điều này là bởi các thành viên HTX tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch bưởi. Hiện, HTX có diện tích hơn 49ha, chuyên canh cây bưởi da xanh và bưởi Năm roi, sản lượng ước đạt 20 tấn/ha/năm. HTX đã được cấp chứng nhận đạt VietGAP với diện tích 37,3ha, có 28 thành viên tham gia, được cấp mã số vùng trồng diện tích 41ha.
Nhờ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn về kỹ thuật sản xuất trái bưởi theo quy trình VietGAP, trái bưởi của HTX đạt yêu cầu về chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu. So với việc bán trái cho các thương lái bên ngoài thì việc ký kết cùng doanh nghiệp tiêu thụ bưởi có giá thành tốt hơn, góp phần tăng lợi nhuận của thành viên. Đồng thời, để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường xuất khẩu, HTX đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất do doanh nghiệp đưa ra cũng như ngành chuyên môn khuyến cáo nhằm đảm bảo chất lượng trái luôn an toàn vệ sinh thực phẩm…
Với sản phẩm vú sữa, bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Công ty đã đến Sóc Trăng thu mua trái vú sữa tím trong gần 2 năm qua tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (xã Xuân Hòa) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để hỗ trợ HTX, bước đầu công ty cũng đã đưa kỹ thuật xuống tận các nhà vườn là thành viên HTX khảo sát cũng như hướng dẫn kỹ thuật cần thiết trong quá trình sản xuất trái vú sữa tím. Bước đầu, doanh nghiệp gặp khó khăn vì một số nhà vườn không đồng tình với việc bao trái và lo lắng trước việc liên kết cùng doanh nghiệp, kể cả các thắc mắc về giá thu mua, lợi ích khi bán sản phẩm thông qua liên kết, tác dụng của vấn đề bao trái… Giải quyết khó khăn, doanh nghiệp đã đưa ra các điều kiện hỗ trợ HTX trong khâu sản xuất và mức giá sàn thu mua là 30.000 đồng/kg trái, nếu giá thị trường thấp hơn vẫn thu mua giá đã ký kết cùng HTX, còn giá lên cao sẽ tăng giá thu mua”.
Đồng thời, doanh nghiệp giải thích cho nhà vườn hiểu là nếu vú sữa được bao trái sẽ an toàn, ít dịch bệnh, không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn tiêu thụ tốt tại các thị trường khác trong nước. Bà con đã nhiệt tình lựa chọn phương pháp sản xuất tránh thiệt hại là bao trái. Với góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Chánh Thu mong muốn được các ngành chuyên môn địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hỗ trợ nhà vườn sản xuất cây ăn trái có hiệu quả, tức là sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm hòa vào thị trường quốc tế. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư phát triển thị trường, bởi sản phẩm “sạch” thì doanh nghiệp không bị rủi ro, cơ hội phát triển thêm thị trường và thu mua sản phẩm nhiều hơn.
Tuân thủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của thị trường
Trước đây, quá trình canh tác theo phương thức truyền thống như để cây vú sữa ra hoa, kết trái tự nhiên đã khiến cây ra trái không đồng đều, thường xảy ra sâu bệnh. Một sự đột phá về tư duy sản xuất bắt đầu được triển khai vào đầu tháng 9/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khác với sự nghi ngại ban đầu, giờ đây, nhà vườn trồng trái vú sữa ở Kế Sách đã có sự chủ động trong việc tuân thủ đúng quy trình về kỹ thuật canh tác, bao trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay diện tích canh tác vú sữa theo quy trình VietGAP đã mở rộng quy mô lên đến trên 70ha.
Tuân thủ đúng quy trình về kỹ thuật canh tác, bao trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, vú sữa tím xuất khẩu được vào các thị trường khó tính (Ảnh: TL) |
“Lúc đầu bà con còn băn khoăn, bỡ ngỡ. Bây giờ là năm thứ 3 rồi, bà con thấy trái mình trồng đạt tiêu chuẩn như vậy thì mới xuất khẩu được nên không cần chờ vận động nữa. Giờ đi khắp các vườn vú sữa gần đây là bao trái trắng vườn hết”, ông Nguyễn Văn Thiên - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng chia sẻ.
Nhờ sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, năm 2021 là niên vụ thứ 3, vú sữa tím của huyện Kế Sách tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore.
Trước đó, vượt qua những khó khăn xuất khẩu do đại dịch Covid-19, vú sữa tím của Kế Sách đạt được dấu mốc mới với sản lượng hơn 156 tấn trong niên vụ 2020 - 2021.
Hiện nay, huyện Kế Sách có diện tích trồng vú sữa hơn 1.800ha, chủ yếu là giống vú sữa tím, tập trung tại các xã Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh, diện tích cho trái khoảng 1.600ha, sản lượng 48.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 92,8ha, đã đăng ký 18 mã số vùng với diện tích 125,5ha của 140 nông hộ là thành viên của các HTX tại các vùng trồng vú sữa tập trung.
Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng cây ăn trái bằng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, việc cấp mã số vùng trồng cũng lần lượt được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai một cách đồng bộ và được nhà vườn thực hiện rất tốt. Hiện, địa phương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 44 mã số vùng trồng với gần 420ha, sản lượng ước đạt 9.000 tấn trái mỗi năm. Lợi ích từ việc cấp mã số vùng trồng hướng đến truy xuất nguồn gốc đã được minh chứng rất hiệu quả ở HTX bưởi Thành Công. Hiện, HTX đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi và tem truy xuất nguồn gốc. Đây là một bước quan trọng để khẳng định chất lượng khi đưa sản phẩm ra cạnh tranh trên thị trường.
“Rõ ràng là khi có mã số vùng trồng rồi, vấn đề tiêu thụ đối với trái bưởi da xanh hay bưởi Năm roi của HTX đều rất dễ dàng, bởi vì khách hàng có thể biết rõ trái bưởi này được trồng ở đâu, có những tiêu chuẩn nào. Cũng từ đây mà bà con cũng có ý thức hơn trong khâu chăm sóc, họ làm vườn có trách nhiệm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm tại vùng trồng của mình”, Giám đốc HTX bưởi Thành Công Lê Văn Phải nói.
Lãnh đạo huyện Kế Sách cho biết, đối với cây ăn trái chủ lực, các HTX đã tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường có rào cản kỹ thuật rất cao, tiêu chuẩn rất khắt khe như Mỹ, EU bằng cách ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật gồm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc... Hiện có 8 HTX cây ăn trái đã xây dựng mô hình sản xuất theo VietGAP với diện tích 209,37ha, gồm: HTX Trinh Phú, HTX Quyết Thắng, HTX Bưởi năm roi - da xanh Kế Thành, HTX Xuân Thịnh, HTX Thành Công, HTX An Thạnh, HTX Đại Đoàn Kết, HTX Thắng Lợi và có 9 HTX được cấp 31 mã số vùng (điều kiện để có thể xuất khẩu) với diện tích 278,4ha cho các loại trái cây chủ lực như: vú sữa, bưởi, xoài, nhãn.
Nhờ vậy, các chuỗi liên kết đã hợp đồng tiêu thụ cho nông dân với giá cao. Đối với cây vú sữa, 3 niên vụ vừa qua đã xuất khẩu 260 tấn sang thị trường Mỹ, Singapore - là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Ở thị trường trong nước phân khúc chất lượng cao (siêu thị, chợ đầu mối...) đã tiêu thụ được 103 tấn vú sữa. Đối với cây bưởi thì trong năm 2020 đã xuất khẩu 60 tấn sang thị trường châu Âu; 6 tháng đầu năm 2021 tiêu thụ nội địa 1.090 tấn. Đồng thời, hàng trăm tấn bưởi, cam, xoài, vú sữa, sầu riêng của các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết cũng được tiêu thụ ở phân khúc chất lượng cao. Trong các chuỗi sản xuất cây ăn trái trên địa bàn huyện đã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao gồm: bưởi Năm roi Kế Thành; bưởi da xanh Kế Thành (HTX Bưởi Thành Công), vú sữa tím Trinh Phú (HTX Trinh Phú) và vú sữa tím Xuân Hòa (HTX Quyết Thắng).
Lãnh đạo huyện Kế Sách cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tập trung triển khai thực hiện là chuyển đổi cơ cấu cây ăn trái theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường; cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Hình thành các vùng chuyên canh với cây ăn trái đặc sản có lợi thế, có thị trường như: Bưởi Năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím, xoài, sầu riêng, nhãn (Edor, thanh nhãn)... theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu và đạt tiêu chuẩn VietGAP, được công nhận là sản phẩm OCOP. Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đối với cây ăn trái (VnSAT cây ăn trái) để liên kết giữa sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ…
Phương Linh