Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành trồng trọt huyện Tam Dương vẫn duy trì được sự ổn định, với tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 484 tỷ đồng, tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả của quá trình tái cơ cấu linh hoạt, trong đó có những dấu ấn đậm nét của các HTX, tổ hợp tác.
Tiến chắc nhờ sản xuất sạch
Với mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, xã An Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, với sự hình thành của các HTX, tổ hợp tác, lĩnh vực nông nghiệp của xã đang có những bước chuyển tích cực theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả ở Tam Dương đang có dấu ấn của các HTX. |
Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là dưa chuột.
Ngay từ khi thành lập (năm 2017), HTX đã xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng dẫn các thành viên sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đảm bảo tuyệt đối quy định về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ, vào năm 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh, HTX tiếp nhận 1 kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn cao về làm việc. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, HTX áp dụng sản xuất VietGAP, với tiêu chuẩn “sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn”.
Cụ thể, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX tuyển chọn các loại thuốc trong danh mục, ưu tiên các loại thuốc hữu cơ, vi sinh thân thiện môi trường. Quá trình sử dụng cũng luôn tuân thủ nguyên tắc đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Hay trong sử dụng phân bón, các loại phân bón vô cơ chỉ được thành viên HTX sử dụng trong thời kỳ bón thúc giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Còn khi cây đã ra quả, HTX chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, nhằm giảm thiểu độ tồn dư chất gây hại, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Với sự đồng hành của các cấp, hiệu quả của các HTX, đến nay đời sống của người dân trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm.
Được biết, những năm qua, huyện Tam Dương luôn được tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ. Diện tích gieo cấy các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng của huyện như Thiên ưu 8, TBR 225, BC15, ADI2… ngày càng được mở rộng.
Ngoài ra, hàng năm, huyện đều xây dựng các mô hình trình diễn các giống lúa mới. Vụ mùa năm 2021 Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện trình diễn giống lúa mới DT18, TBR 225 kháng bạc lá và TBR97 tại xã Duy Phiên.
Thêm các giải pháp thúc đẩy
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản xuất, ngành trồng trọt huyện Tam Dương còn tích cực khai thác tiềm năng sản xuất rau, quả trên địa bàn.
Huyện Tam Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ để nhân rộng các mô hình sản xuất hiện đại gắn với an toàn sinh thái. |
Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường như vùng sản xuất dưa chuột quy mô 400 ha tại các xã An Hòa, Hợp Hòa, Hướng Đạo, Duy Phiên; vùng sản xuất bí đỏ quy mô 200 ha tại thị trấn Hợp Hòa, xã Hoàng Lâu, Thanh Vân, Đạo Tú…
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp trong khâu làm đất và thu hoạch của huyện Tam Dương đã đạt trên 90%. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân.
Cùng với trồng trọt, sự hiện diện của các HTX cũng góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Dương. Điển hình có thể kể đến HTX chăn nuôi giống gia cầm Hải Thêu, xã Hướng Đạo.
HTX Hải Thêu đang phát triển trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao với quy trình khép kín, ứng dụng hệ thống sàn lưới chuyên dụng giúp vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết triệt để.
Nhờ tính toán khoa học, HTX đã phát triển một cách nhanh chóng với quy mô chăn nuôi hiện nay vào khoảng 170 nghìn con gà các loại, cung cấp ra thị trường 150 nghìn con giống mỗi tuần với doanh thu 30 - 50 tỷ đồng/năm và lợi nhuận thu về hơn 10 tỷ đồng/năm.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tam Dương, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã và đang có sự chuyển mình rõ rệt, hướng tới một nền “Nông nghiệp xanh, sạch và bền vững” đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất, huyện Tam Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất và tiềm năng lợi thế của từng vùng. Nâng cao vai trò HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ người nông dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái...
Hưng Nguyên