Với diện tích 38 ha, HTX Tiên Động đã thực hiện nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên và nông dân trong xã đã sản xuất chuyên nghiệp hơn nhờ chú trọng đầu tư.
Hiệu quả kinh tế
Trước đây, khu nuôi thủy sản tập trung của HTX chủ yếu là diện tích đất trồng lúa thấp trũng chỉ thu hoạch được một vụ lúa/năm với năng suất thấp (khoảng 1,5 - 1,7 tạ/sào). Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nuôi thủy sản mà kinh tế các hộ thành viên và người dân đã khởi sắc.
HTX chủ yếu nuôi các loại cá như: Chép, trắm, rô phi đơn tính. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi hộ thu lãi 100 - 120 triệu đồng/năm tùy theo từng loại cá. Mỗi năm, toàn bộ khu nuôi thủy sản của HTX mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.
Mỗi năm, ban lãnh đạo HTX đều mời cán bộ Trung tâm Dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh, cán bộ Sở KH&CN mở 3 - 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cá VietGAP cho thành viên và nông dân để họ chủ động trong nuôi trồng thủy sản.
Được sự giúp đỡ của UBND xã Tiên Động, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm biến áp, trạm bơm, hệ thống cống phân lô để thuận tiện cho phân vùng điều tiết nước, hạn chế tình trạng nước lên cao vào mùa mưa.
Khi chưa thực hiện nuôi cá theo quy trình VietGAP, người dân thường xả trực tiếp nước thải nhiễm dịch bệnh hay một số nhà nuôi thêm gia súc vẫn xả thẳng phân từ chuồng trại ra ao, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quy trình nuôi cá.
Xã viên HTX Tiên Động thu hoạch cá rô phi đơn tính
Bên cạnh đó, việc điều tiết nước cho các ao còn nhiều bất cập khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra, có những lúc cá chết nổi trắng mặt ao.
Để bảo đảm chất lượng, HTX đã chú trọng từ khâu chọn giống, cung cấp thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh đến liên kết chặt chẽ các hộ trong việc nuôi và xuất bán cá ra thị trường.
Chú trọng bảo vệ môi trường
HTX phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) và đơn vị chuyên môn của Sở KH&CN cung cấp cá giống từ các dự án khoa học cho người dân với mức hỗ trợ lên đến 50%.
Thông qua các buổi tập huấn, các thành viên sẽ đi sâu tìm hiểu các kỹ thuật phòng chống các loại bệnh dịch, đặc tính, sự phát triển của từng loại cá, đặc biệt là nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Trung bình mỗi tuần một lần, đặc biệt khi cá có dấu hiệu lạ hoặc thời tiết thay đổi, cán bộ của Hội Nông dân và Sở KH&CN tỉnh sẽ về lấy mẫu nước, kiểm tra độ pH, nhiệt độ, lượng oxy... trong ao. Nhờ vậy, cá sinh trưởng phát triển rất tốt, người dân an tâm sản xuất.
Ngoài kiểm soát con giống, thức ăn, các hộ nuôi cá đều thực hiện cải tạo lại ao nuôi, xây dựng ao lắng lọc và xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi hoặc thu hoạch cá.
Trung bình, cứ 8 ao nuôi, HTX bố trí 3 - 4 ao lắng để xử lý nguồn nước. Quy trình này giúp ngăn ngừa các loại dịch bệnh có thể xảy ra; đồng thời hướng cho nông dân ứng dụng cách nuôi trồng mới tiên tiến hơn.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thay thế bạt lót đáy thông thường bằng bạt đen để kháng tia UV, kháng hóa chất, chống ôxy hóa, tránh mất nước cho ao nuôi và phòng chống dịch bệnh tốt.
Bằng cách lập sổ theo dõi từ khi nhập cá giống, HTX đã giúp các hộ liên kết trong việc nuôi theo nhiều cấp độ. Các hộ trong HTX không xuất bán cá ồ ạt mà luân phiên thu hoạch, xuất bán theo đợt nên tránh tình trạng mất giá, ép giá.
HTX đang đẩy mạnh việc nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị, làm ra sản phẩm an toàn chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, hướng đến phát triển bền vững.
Như Yến