Theo Ban giám đốc HTX, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn. Trước đây, HTX chỉ có 3 - 5 lao động, chủ yếu là những người thân quen làm việc, thì đến nay đã thu hút được 60 thành viên, đồng thời liên kết với lao động trong xã và các địa phương lân cận cùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Tạo nhiều việc làm
Nghề mây tre đan vốn là công việc nhẹ nhàng, nhưng muốn tạo được niềm tin với thành viên và người lao động để họ làm việc lâu dài và tận tâm là chuyện không hề đơn giản. Chính vì vậy, khi đi vào hoạt động, những người đứng đầu HTX luôn năng động tính toán, tăng cường liên doanh liên kết trong đầu ra cũng như tạo cơ hội việc làm cho các thành viên và người lao động.
Trong đó, HTX kết hợp với Hội phụ nữ xã tổ chức các lớp dạy nghề cho thành viên, người lao động. Ban giám đốc chủ động tìm và liên kết với những nhà máy, xí nghiệp để mở rộng sản xuất.
Hiện, thành viên và người lao động trong HTX có độ tuổi chủ yếu từ 30 - 45, một số phụ nữ lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm cũng được nhận vào làm. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trên địa bàn xã, mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện.
Chị Nguyễn Thị Hiếu - người lao động cho biết, tham gia sản xuất tại HTX Thanh Tân, chị và mọi người đều được đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm với thu nhập khá ổn định. Công việc ở đây tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, nhưng không quá áp lực. Chị có thể tranh thủ được nhiều thời gian lúc nông nhàn mà vẫn có điều kiện để chăm sóc gia đình và con cái.
Sản phẩm mây tre đan của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. |
Một trong những hoạt động quan trọng được HTX chú trọng là đa dạng mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Để cập nhật thường xuyên nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, HTX xây dựng đội ngũ 10 kỹ thuật viên thực hiện thường xuyên việc nghiên cứu, đổi mới sản phẩm và tổ chức dạy nghề cho các thành viên, người lao động. Với những người tham gia sản xuất trực tiếp, HTX tạo điều kiện cho họ nhận nguyên liệu về nhà làm. Những phụ nữ lớn tuổi cũng được bố trí thực hiện công việc ở những khâu đơn giản hoặc thu mua sản phẩm.
Thành viên HTX, người lao động từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. HTX không chỉ giúp chị em có việc làm, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế, mà còn giúp họ không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, tổ chức cuộc sống gia đình.
Sản xuất bền vững
Chị Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX mây tre đan Thanh Tân cho biết, với áp lực cạnh tranh trên thị trường, HTX đang nỗ lực để tiếp tục phát triển được nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, đáp ứng ngày càng cao hơn thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh duy trì các đơn hàng truyền thống, HTX cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều kênh thông tin để tiếp cận rộng rãi thị trường trong nước, đón đầu khi xu hướng sử dụng hàng mỹ nghệ vật liệu từ thiên nhiên đang dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người.
Nhằm tạo môi trường sản xuất tốt nhất cũng như tạo dựng niềm tin với đối tác, HTX luôn chấp hành công tác bảo vệ môi trường, không xả nước thải, chất thải bừa bãi ra môi trường. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thu gom phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, cùng chi hội phụ nữ xã tuyên truyền vận động 100% các hộ gia đình trong thôn tham gia đóng phí vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa tại các tuyến đường...
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay tại nơi sản xuất. |
Hiện nay, HTX chỉ đứng ra nhận nguyên liệu về làm, sau đó doanh nghiệp đến thu sản phẩm về làm các công đoạn như xử lý mối mọt, làm bóng…, nên hạn chế áp lực lên môi trường.
“Thanh Tân là xã đi đầu của huyện Kiến Xương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao nên mọi hoạt động sản xuất của HTX cũng phải tuân thủ việc bảo vệ môi trường, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”, Giám đốc Nguyễn Thị Doan nói.
Để vươn xa trên con đường hội nhập, ngoài sản xuất mây tre đan, HTX Thanh Tân cũng đang tiếp tục tìm hiểu, du nhập thêm một số nghề mới với các ưu điểm lựa chọn là đơn giản, dễ thực hiện, đơn hàng ổn định để tạo thêm việc làm cho người lao động, điển hình như nghề đan dây nhựa, may gia công...
Ngoài những nỗ lực nội tại, HTX rất mong muốn được quan tâm, tiếp tục hỗ trợ các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là những chính sách thiết thực cho đối tượng là người khuyết tật, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có động lực tham gia học nghề. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho hoạt động của HTX vươn ra trên thương trường, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động.
Huyền Trang