Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho thấy, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Ninh Bình có 417 HTX, 01 LHHTX lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu năm 2020 của HTX ước đạt hơn 5 tỷ 100 triệu đồng, tăng 1,24 lần so với đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân ước đạt 263 triệu đồng, tăng 1,04 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi giá trị
Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2020, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX, trong đó điển hình phải kể đến việc hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình chuỗi giá trị gia tăng.
Từ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Liên minh HTX tỉnh, đến nay Ninh Bình có 44 HTX, 01 LHHTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, một số HTX ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình luôn tích cực hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa. |
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình chuỗi, đơn cử như: chuỗi chạch sụn của HTX cây con đặc sản Yên Hòa; chuỗi tinh bột nghệ và các sản phẩm dược liệu của HTX dược liệu Yên Sơn; chuỗi các sản phẩm dê của HTX chăn nuôi dê Ninh Bình; chuỗi nông sản và du lịch trải nghiệm của HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp; chuỗi chè Tâm An Nguyên của HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp; chuỗi gà, lợn thảo dược của HTX nông sản hữu cơ Ninh Bình… Việc phát triển các mô hình này đã mang lại lợi ích cho thành viên, trong đó phải kể tới là chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao, giá bán và thu nhập tăng trên 30%, hoạt động của HTX năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.
Chỉ tính riêng Liên hiệp HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn Ninh Bình đã liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho 12 thành viên, trong đó có 3 doanh nghiệp nông nghiệp và 9 HTX lĩnh vực nông nghiệp với sản lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng là hơn 4 tấn tại hai cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Được biết, với sản lượng tiêu thụ khá tốt, thời gian tới, Liên hiệp HTX sẽ tiếp tục đề nghị Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình hỗ trợ để mở thêm cửa hàng nông sản sạch, giúp ổn định đầu ra cho các thành viên ngay tại tỉnh nhà.
Hướng tới thành lập 30 HTX điển hình tiên tiến
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, việc hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, nâng cao giá trị được đơn vị xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ vậy, đến nay Ninh Bình có đến 95% HTX hoạt động có hiệu quả.
Khu vực KTTT tạo hơn 2.000 việc làm mới hàng năm nhất là khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, một lĩnh vực chủ lực của địa phương.
Theo đánh giá, doanh thu bình quân năm 2020 của mỗi HTX đạt 1 tỷ 850 triệu đồng, thu nhập bình quân 84,2 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là thành viên đạt sấp xỉ 3 triệu đồng/người/tháng.
Cũng nhờ vậy mà khu vực KTTT đã đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần cùng với toàn tỉnh đưa 4 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt có 9 xã đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Để tiếp tục sát cánh cùng các HTX, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Bình sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu thành lập 30 HTX điển hình tiên tiến, thành lập mới 20 - 30 THT, 20-25 HTX. Đến hết nhiệm kỳ thành lập mới ít nhất 01 Liên hiệp HTX, thu hút ít nhất 80% hộ cá thể ở nông thôn tham gia THT, HTX.
“Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Liên minh HTX tỉnh phải quyết tâm vào cuộc, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ để đạt được mục tiêu đề ra”, bà Lê Thị Tâm nói.
Phạm Duy