Theo Ban giám đốc HTX, muốn nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa và giải quyết được những khó khăn trong bảo vệ môi trường phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Thay vì mạnh ai người ấy làm, các thành viên đã thống nhất một quy trình nhằm đồng nhất chất lượng.
Không dịch bệnh, không ô nhiễm
Các thành viên hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn tươi khi cá còn nhỏ. Cụ thể là sau khi làm vệ sinh lồng bè xong, người nuôi thả cá với mật độ phù hợp. Trong 3 tháng đầu, các thành viên tập trung sử dụng các loại cám viên không tan nhằm tránh hao hụt và bảo vệ môi trường. Từ tháng thứ tư trở đi mới thả một lượng rất nhỏ thức ăn tươi để cá nhanh cứng cáp, sau đó kết hợp thêm thức ăn công nghiệp.
Đặc biệt, trong quá trình cho cá ăn thức ăn tươi, người nuôi không bỏ thức ăn xuống lồng như cách nuôi truyền thống, mà cho vào túi lưới, bố trí đều trong các lồng để cá tự tìm đến ăn.
HTX cũng bảo đảm các quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các giàn lồng nuôi từ 15 - 20m nhằm bảo đảm tốc độ dòng chảy, tăng sự trao đổi nước, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm không lây lan và phát tán mầm bệnh.
So với phương thức truyền thống, mô hình nuôi cá lồng của HTX cho thấy hiệu quả hơn hẳn. Cá lớn nhanh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, lợi dụng được đặc điểm phân bố theo tầng nước của các loài cá mà thức ăn có thể được tận dụng triệt để, không ứ đọng. Sau gần 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 0,6 - 1kg/con, năng suất khoảng 2,7 tấn/lồng. Sau khi trừ chi phí, thành viên có thể thu về 20 - 25 triệu đồng/lồng.
Mô hình sản xuất của HTX Thẩm Phé đang phát triển theo hướng bền vững nhờ chú trọng yếu tố vệ sinh môi trường. |
Đáng quan tâm hơn nữa, nuôi theo hình thức này có chi phí thấp, do thời gian đầu không tốn nhiều thức ăn. Đặc biệt, hạn chế được số bệnh thường gặp trên cá như viêm ruột, lở loét da và bảo vệ được môi trường khu vực nuôi.
Để giúp người dân nắm được những kiến thức nuôi trồng thủy sản, HTX cùng ngành nông nghiệp thường xuyên mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cá, cách lựa chọn các loại thức ăn phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi vệ sinh lồng cá sạch sẽ, từ 1 - 2 tháng vệ sinh lồng cá một lần để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển.
Phát triển theo chuỗi
Trước đây, người dân chỉ nuôi cá ở ao và thả nhiều loại cá khác nhau, ít đầu tư và không biết cách phòng bệnh nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia HTX, các thành viên và người dân đã biết cách dùng tỏi xay nhuyễn để cho cá ăn hay treo túi vôi khử trùng. Chính vì vậy, có hộ ban đầu chỉ thử nuôi 1 lồng giờ đã tăng lên 5 lồng.
HTX thanh niên Thẩm Phé đang có 16 lồng cá với tổng diện tích nuôi cá trên mặt hồ vào khoảng gần 600m2. Cá của các thành viên không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn xuất đi các địa phương khác, trong đó có TP. Hà Nội. Ngoài nuôi cá rô phi, trắm đen, HTX còn mở rộng sang nuôi cá tầm, cá lăng để nâng cao thu nhập.
Việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cá lồng của HTX Thẩm Phé là bước ngoặt lớn giúp chuyển đổi sản xuất, tạo cơ hội việc làm cho bà con, nhất là người dân vùng tái định cư. Bên cạnh đó, còn mở ra hướng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương khi người dân tận dụng lợi thế trên địa bàn có diện tích mặt hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát để nuôi trồng thủy sản.
Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch giúp nâng cao thu nhập cho người dân. |
Với nền tảng vững chắc, mô hình sản xuất của HTX đang nhận được sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam trong việc hỗ trợ sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Khi sản xuất theo chuỗi giá trị, không chỉ đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn mà còn giúp HTX xây dựng được thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Ngoài nuôi cá, HTX còn cùng địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp chế biến các sản phẩm như cá nướng, cá sấy, măng sấy, chẩm chéo. Các thành viên cũng xây dựng nhà nghỉ, nhà nổi để phục vụ khách tại chỗ.
Theo đánh giá của chính quyền xã, mô hình sản xuất của HTX Thẩm Phé phát huy được tiềm năng của địa phương trong sản xuất và du lịch. Qua đó không chỉ mang lại lợi nhuận cho các thành viên mà còn tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Huyền Trang