HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai ra đời từ năm 2016, đến nay, HTX có 8 thành viên. Điều đặc biệt là các thành viên và Ban Giám đốc HTX đều là những người trẻ tuổi, thuộc thế hệ 9x.
Du lịch và nuôi trồng thủy sản
Tận dụng lòng hồ thủy điện Sơn La với vẻ đẹp được ví như Vịnh Hạ Long thứ hai, HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đã tiến hành đăng ký kinh doanh du lịch. HTX thiết kế và tổ chức tour du lịch lòng hồ thủy điện theo thời gian 1 ngày và 2 ngày 1 đêm.
HTX cũng thực hiện các dịch vụ cho thuê thuyền du lịch lòng hồ; hướng dẫn viên cho khách. Để mở tour, HTX liên kết với các nhà nghỉ, nhà hàng và nhà dân làm dịch vụ homestay và thuê thuyền chở khách theo tháng.
Hoạt động của HTX đã thu hút và đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách đến để trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của lòng hồ thủy điện và nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Đến nay, gần 300 tour du lịch lòng hồ đã được HTX vận hành thành công, phục vụ các đoàn du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh phát triển du lịch, HTX còn đầu tư nuôi cá lăng và cá trắm dưới lòng hồ thủy điện theo hình thức hữu cơ. Tổng số lồng cá HTX đầu tư là 44 lồng, nuôi trên diện tích 1.000 m2 tại khu vực lòng hồ xã Chiềng Bằng.
Nguồn thức ăn cho cá là nguyên liệu có sẵn tại địa phương, như: Lá sắn, ngô, lá chuối, các loại cỏ... Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nuôi nên cá lớn rất nhanh, thịt chắc, bán được giá. HTX đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi cá.
Kết hợp giữa du lịch và nuôi thủy sản càng giúp HTX thu hút khách du lịch. Để giải quyết lượng công việc ngày càng tăng, HTX đã thuê thêm 2 lao động làm việc dài hạn với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Không dừng lại ở đó, HTX đã tiến hành thu mua và chế biến sản phẩm cá tép dầu của địa phương, sau đó chế biến, đóng gói theo phương thức thủ công. Sản phẩm hoàn toàn không chất bảo quản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn cá tép dầu đã qua chế biến, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người dân và tăng thêm lợi nhuận cho HTX.
“Cá tép dầu là sản phẩm đặc trưng của người dân nên khách du lịch ai đến tham quan cũng đều mua. Từ đó, vừa liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách”, Giám đốc Là Văn Phong cho biết.
Du khách tham quan lòng hồ và tham quan khu nuôi cá lồng của HTX |
Bảo tồn thiên nhiên
Nhờ kết hợp du lịch và sản xuất nên một phần sản phẩm của HTX được khách du lịch mua trực tiếp, không qua trung gian. Đây cũng là một kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của HTX và địa phương.
Để phát triển bền vững, khi xây dựng các tour du lịch, HTX đã thiết kế các điểm đến để khách có thể gắn bó với thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên. HTX cũng liên kết với chính quyền và người dân, nhằm nâng cao và lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng.
Thông qua những tấm pano với những khẩu hiệu ngắn gọn, HTX giúp du khách hiểu rằng họ chính là những đối tác góp phần bảo tồn và phát triển du lịch địa phương, chứ không đơn thuần là đối tượng tạo ra nguồn thu nhập cho HTX.
Nhằm mở rộng hoạt động, HTX đã sử dụng mạng intenet để quảng bá và nhận khách du lịch. Điều này giúp HTX có thể điều tiết lượng khách, tránh tình trạng quá tải, tắc nghẽn, tạo sức ép đối với môi trường tự nhiên.
Hoạt động của HTX không chỉ mang lại lợi nhuận, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên và người lao động, mà bên cạnh đó còn góp phần phát huy những tiềm năng sẵn có, giúp người dân thúc đẩy sản xuất để cải thiện cuộc sống, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn nét đẹp quê hương.
Như Yến